.

Kích cầu doanh nghiệp làm hàng tại Cái Mép - Thị Vải

Cập nhật: 20:27, 30/06/2020 (GMT+7)

Theo Tổng cục Hải quan, 5 năm qua ngành hải quan BR-VT luôn nằm trong “top” 5 những đơn vị đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan như: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; Hệ thống quản lý, giám sát tự động (VASSCM); Hệ thống dịch vụ công trực tuyến… Từ đó, tạo điều kiện cho các DN giải quyết các thủ tục hải quan nhanh chóng và ngày càng có nhiều DN về làm hàng tại Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).

Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Phú Mỹ.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Phú Mỹ.

SỐ DN LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TĂNG 15% SO VỚI CÙNG KỲ

Sau 3 năm ngành hải quan triển khai “dịch vụ công trực tuyến” với 41 thủ tục hành chính, đến nay, dịch vụ công trực tuyến được đơn vị cung cấp ở mức độ 3 và 4, 100% các thủ tục phát sinh tại CM-TV được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Tính đến giữa tháng 6/2020 đã có 4.514 hồ sơ được xử lý trên hệ thống. 

Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, đại diện Công ty Giấy Sài Gòn Mỹ Xuân (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ) cho biết, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Công ty chủ động chuẩn bị hồ sơ, văn bản, số liệu để scan gửi qua hệ thống và chờ kết quả phản hồi, xử lý của Chi cục nên giảm được 50% thời gian so với trước. Công ty cũng chủ động hơn trong việc chuyển hồ sơ lên hệ thống.

Cùng với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, ngành hải quan đã triển khai hệ thống cơ chế “một cửa” quốc gia, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, chi phí cho DN. Để minh chứng cho điều này, bà Vũ Thùy Anh, Kế toán trưởng Công ty TNHH Hồng Nga Sài Gòn cho biết: Trước đây, muốn thông quan một lô hàng, DN phải xin giấy phép của nhiều bộ, ngành và phải chuẩn bị nhiều chứng từ; hiện nay, với cơ chế này cho phép DN chỉ thông qua một đầu mối duy nhất là cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Theo tính toán dự kiến, hệ thống sẽ cắt giảm từ 10- 20% chi phí, 30% thời gian thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.  

 Ngoài các giải pháp trên, ngành hải quan đã nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, bảo đảm tính công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Trong đó, chú trọng tới việc duy trì vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Thu ngân sách qua các ngân hàng thương mại; Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu; Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tổng số DN đến đăng ký làm thủ tục hải quan là 1.196 DN, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

CẦN “GỠ KHÓ” ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng các DN cảng biển cho biết, hiện số DN làm thủ tục hải quan tại CM-TV chưa nhiều. Năm 2019, có 3,6 triệu TEUs  hàng hóa XNK qua CM-TV  nhưng chỉ có 15% lượng container qua đường bộ và làm thủ tục hải quan tại CM-TV. Số còn lại các DN không làm thủ tục hải quan tại CM-TV mà dùng xà lan trung chuyển hàng hóa về TP.Hồ Chí Minh làm thủ tục thông quan để giảm chi phí.

Theo phân tích của ngành hải quan, ngoài nguyên nhân do chi phí vận chuyển container bằng đường bộ cao thì còn nhiều nguyên nhân khác. Đơn cử như, các đơn vị hải quan tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đều đã có Chi cục kiểm định (thuộc Cục Kiểm định-Tổng cục Hải quan) để làm nhiệm vụ đầu mối thực hiện công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK, thì riêng BR-VT vẫn chưa có. Do chưa có Chi cục Kiểm định đặt tại CM-TV nên các DN XNK khi làm thủ tục hải quan phải lấy mẫu, gửi mẫu đi TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để kiểm tra. Điều này làm kéo dài thời gian thông quan, lưu kho, lưu bãi, chậm trễ đơn hàng, gây tốn kém chi phí, giảm lợi thế cạnh tranh. 

Một hạn chế nữa, CM-TV là cụm cảng lớn chiếm tới 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước, nhưng ngành hải quan BR-VT chưa được trang bị máy soi container. Do vậy, hàng hóa thông quan tại CM-TV mất nhiều thời gian, làm gia tăng chi phí vì phải chờ kiểm tra bằng phương pháp thủ công. Cùng đó, Dự án địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung CM-TV hiện cơ bản đã hoàn thành 95% khối lượng công việc và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Và để đưa địa điểm này vào hoạt động thì bắt buộc phải có máy soi container để hỗ trợ công tác kiểm tra của cơ quan hải quan, giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí phát sinh cho DN. Mặc dù Cục Hải quan tỉnh đã nhiều lần đề xuất Tổng cục Hải quan sớm trang bị máy soi container, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.

Để giải quyết những hạn chế trên, ông Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, vừa qua, Cục Hải quan tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan thành lập Chi cục kiểm định đặt tại khu vực CM-TV để thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất nhập khẩu; đề xuất Tổng cục Hải quan hỗ trợ cấp máy soi container nhằm góp phần giúp ngành hải quan giảm được các rủi ro trong công tác nghiệp vụ cũng như tạo thuận lợi cho các DN làm thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa, thu hút nguồn hàng về làm thủ tục hải quan tại tỉnh.

 Với những động thái tích cực trên, nhiều DN cảng biển kỳ vọng, khi Chi cục Kiểm định được thành lập và cụm cảng CM-TV được trang bị máy soi sẽ tạo thuận lợi và thu hút nhiều DN làm thủ tục hải quan BR-VT. Góp phần đưa cụm cảng CM-TV trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng Đông Nam bộ, đủ khả năng cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan...

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

.
.
.