HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM (1-8/6)

Khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế biển

Thứ Tư, 03/06/2020, 20:46 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, BR-VT đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên của biển để phát triển nền kinh tế. Không chỉ có thế mạnh về dầu khí, BR-VT còn phát huy lợi thế về cảng biển; đánh bắt, chế biến hải sản; du lịch biển - đảo…

BR-VT có nhiều tiềm năng về kinh tế biển. Trong ảnh: Một góc biển TP. Vũng Tàu.
BR-VT có nhiều tiềm năng về kinh tế biển. Trong ảnh: Một góc biển TP. Vũng Tàu.

CHUYỂN ĐỘNG MẠNH MẼ 

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi trở lại xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), vùng đất trước đây vốn trầm lắng đã trở nên sôi động hẳn lên kể từ khi dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam được triển khai. Ông Dhep Vongvanich, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quốc gia Tập đoàn SCG tại Việt Nam, cho biết: Khi dự án đi vào hoạt động có thể sản xuất được 1,6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu và 2 triệu tấn nguyên liệu cho ngành nhựa, như: polyetylen, polypropylene và các sản phẩm khác. Dự án được kỳ vọng thu hút khoảng 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại, đồng thời đóng góp ngân sách khoảng 60 triệu USD/năm.

Khai thác và chế biến thủy sản được xác định là 1 trong 5 ngành kinh tế biển mũi nhọn của BR-VT.  Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK Thủy sản Baseafood.
Khai thác và chế biến thủy sản được xác định là 1 trong 5 ngành kinh tế biển mũi nhọn của BR-VT. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK Thủy sản Baseafood.

Ngoài dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam, những năm gần đây, BR-VT đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nhiều dự án lớn liên quan đến ngành công nghiệp chủ lực, như: Nhà máy Sản xuất PPP và Kho hầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; nhà máy giấy Maruneni có vốn đầu tư 211 triệu USD; kho tiếp vận khí LNG và tái hóa khí thiên nhiên tại Vũng Tàu 4.971 tỷ đồng…

Tỉnh cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Hiện nay, Cái Mép- Thị Vải là 1 trong 21 cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn và thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới; khối lượng hàng hóa và số lượng tàu vào cảng tăng nhanh, trong đó tàu có trọng tải trên 50.000 tấn chiếm 90%. Để phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời, để tận dụng hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các KCN gắn với cảng biển. Đến nay, BR-VT đã có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. 

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN

Khách du lịch đến Côn Đảo bằng đường tàu thủy.
Khách du lịch đến Côn Đảo bằng đường tàu thủy.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, những năm qua, BR-VT đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”. Theo đó, BR-VT đã xác định 5 ngành kinh tế biển then chốt, gồm: Công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch và dịch vụ biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Cụ thể, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp (CN) tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, BR-VT sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng cao trong nhóm ngành cơ khí chế tạo, CN dầu khí, CN hóa chất, CN vật liệu cơ bản, vật liệu xây dựng và các sản phẩm chất lượng cao của một số ngành CN hỗ trợ khác, có khả năng cạnh tranh cao đưa BR-VT trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư đồng bộ và hiện đại hệ thống cảng biển Cái Mép -Thị Vải; logistic; đưa vào hoạt động trung tâm dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép Hạ; hoàn thiện hạ tầng kết nối hệ thống cảng với các tuyến đường trong khu vực… Đối với ngành du lịch và dịch vụ biển, BR-VT sẽ tập trung phát triển các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như: Tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc; khu vực Núi Dinh - Bà Rịa và huyện Côn Đảo. Đồng thời, sắp xếp lại ngành nghề khai thác thủy sản theo hướng giảm dần số lượng tàu nhỏ ven bờ; hình thành khu khoa học - công nghệ tại khu vực cầu Cỏ May; nâng cao chất lượng chế biến hải sản, tập trung vào chế biến tinh, chế biến sâu… 

Về ngành năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, sau khi nghiên cứu rà soát, tỉnh đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 xét đến 2035, trong đó ưu tiên bổ sung các dự án năng lượng điện gió, điện mặt trời tại Côn Đảo cũng như các địa phương ven biển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cung cấp đủ điện năng, bảo đảm an toàn, ổn định cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các nhà máy, cơ sở sản xuất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Linh để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, từng cơ quan đoàn thể, mỗi người dân càng phải nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo. Đây chính là “chìa khóa” để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.