.

Từng bước hiện đại hóa ngành nuôi trồng thủy sản

Cập nhật: 23:36, 27/03/2020 (GMT+7)

Năng suất cao, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, vùng nuôi ổn định, bảo vệ môi trường… Đó là những lợi ích mà khoa học - công nghệ mang lại cho các hộ nuôi thủy sản lồng bè trên sông. Với mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững thì ứng dụng khoa học - công nghệ cả trong việc nuôi và quản lý vùng nuôi là điều tất yếu.

Lồng bè công nghệ Na Uy được thiết kế từ chất liệu nhựa chịu lực HDPE giúp các hộ nuôi nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Hộ ông Nguyễn Duy Hải thu hoạch cá nuôi trong lồng bè công nghệ Na Uy.
Lồng bè công nghệ Na Uy được thiết kế từ chất liệu nhựa chịu lực HDPE giúp các hộ nuôi nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Hộ ông Nguyễn Duy Hải thu hoạch cá nuôi trong lồng bè công nghệ Na Uy.

NUÔI THEO KHOA HỌC

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường như: Nuôi hàu Thái Dương trên giá thể tre thay cho tấm lợp xi măng hoặc lốp cao su; nuôi cá bằng lồng nhựa công nghệ Na Uy; nhuộm lưới chống bám bẩn; làm mái che giảm nhiệt độ; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mặt nước…

Ông Nguyễn Duy Hải, chủ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn cho biết, 3 năm nay ông áp dụng nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy. Hiện nay, bè nuôi của ông có 5 lồng tròn với 25.000 con cá chim, 5.000 con cá bớp… Theo ông Hải, do chu vi lồng lớn (rộng 100m, độ sâu từ 4-6m) nên cá nuôi trong lồng tròn được trao đổi oxy tốt hơn, được vận động thoải mái hơn, ăn tốt hơn nên mau lớn. Qua thời gian nuôi, cá biển nuôi trong lồng tròn tại bè của ông Hải đã mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống. Được biết, lồng bè công nghệ Na Uy được thiết kế từ chất liệu nhựa chịu lực HDPE, có khả năng chịu được sóng to, gió lớn, mưa bão ở cấp 12; đây cũng là loại chất liệu an toàn, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm. Hiện nay, đã có 5 hộ chuyển từ nuôi thủy sản bằng lồng bè truyền thống sang nuôi thủy sản bằng công nghệ Na Uy và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 10.000m2 diện tích mặt nước ở tiểu khu 3, sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu được ông Nguyễn Công Biên làm mái che cách nhiệt, lắp đặt máy cho cá ăn tự động. Đặc biệt, đầu năm 2018, ông Biên được Chi cục Thủy sản, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ lắp đặt máy quan trắc tự động nguồn nước nuôi lồng bè. Hệ thống này có chức năng đo các thông số của môi trường nước như độ mặn, nồng độ clo, nồng độ oxy, nhiệt độ nước biển… Nếu những chỉ số này tăng cao hoặc xuống dưới ngưỡng sẽ báo trực tiếp vào điện thoại của ông. “Nhờ đó, tôi thường xuyên nắm được các thông số kỹ thuật trong nguồn nước nuôi để xử lý kịp thời khi có biến động. Tôi yên tâm hơn trong sản xuất, hiệu quả nuôi trồng cũng tăng lên”, ông Biên nói.

Không chỉ sử dụng lồng bè công nghệ cao, các giải pháp chăn nuôi khoa học, nhiều hộ nuôi thủy sản lồng bè trên sông cũng đầu tư nhuộm lưới chống bám bẩn để bảo vệ môi trường trên sông. Anh Phan Hoàng Sơn (nuôi cá biển lồng bè ở tiểu khu 4, sông Chà Và) cho biết, sử dụng lưới nhuộm bằng công nghệ Na Uy không chỉ giúp cắt giảm chi phí vận hành, công thay lưới, vệ sinh lưới, mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi oxy trong nước, giúp cá nuôi khỏe mạnh, sức đề kháng được cải thiện, giảm thiểu stress và hiện tượng bỏ ăn, gián tiếp tạo thuận lợi cho khâu dự báo sản lượng và chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ. Anh Sơn tính toán: “Khi nuôi bằng phương pháp truyền thống, mỗi tháng tôi tốn khoảng 3 triệu đồng tiền thuê nhân công giặt lưới. Nhưng nay, nuôi bằng công nghệ mới, tôi chỉ tốn hơn 650 ngàn đồng tiền nhuộm lưới. Hơn nữa, công nghệ này giúp môi trường vùng nuôi được bảo đảm tốt hơn, cá lớn nhanh hơn”. 

Người dân thu hoạch cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và bằng công nghệ lưới nhuộm chống bám bẩn.
Người dân thu hoạch cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và bằng công nghệ lưới nhuộm chống bám bẩn.

QUẢN LÝ BẰNG CÔNG NGHỆ

Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc lắp đặt hệ thống quan trắc và ứng dụng các công nghệ nuôi hiện đại không chỉ giúp người dân nâng cao năng suất mà còn giúp cơ quan chức năng kịp thời thông báo các chỉ tiêu môi trường nước và đưa ra khuyến cáo để người dân có giải pháp xử lý trước khi lấy nước vào nuôi, đồng thời có các biện pháp phòng tránh kịp thời nhằm giảm rủi ro cho người nuôi thủy sản lồng bè.

Theo đó, từ đầu năm 2018 Chi cục Thủy sản tỉnh đã xây dựng và áp dụng triển khai thông báo kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản đến điện thoại của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tại các địa phương qua tin nhắn (SMS), với tần suất 2 lần/tháng (bao gồm 2 tin nhắn kết quả quan trắc và 2 tin nhắn khuyến cáo, cảnh báo). Nội dung tin nhắn bao gồm các số liệu về kết quả phân tích mẫu nước; đồng thời đưa ra cảnh báo các yếu tố môi trường bất lợi, đề xuất các giải pháp cần thực hiện.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững trên quy mô lớn, đặc biệt là phát triển nuôi trên các vùng biển xa, Sở đang khuyến khích người dân chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cục bộ, từng bước hiện đại hóa, xây dựng thương hiệu cá biển nuôi lồng bè đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để quản lý vùng nuôi, Sở NN-PTNT còn hợp tác với Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu và Trường ĐH Bretagne Occidentale (Pháp) thực hiện dự án quan trắc môi trường nước bằng cảm ứng tự động “Water analysis Vietnamese ecosystem”. Hiện nay dự án đã lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước bằng cảm ứng tự động cho hộ gia đình ông Nguyễn Công Biên (tiểu khu số 3, khu quy hoạch nuôi lồng bè, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Dự kiến, sau khi sắp xếp xong các lồng bè vào vùng quy hoạch, tỉnh sẽ mở rộng lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước bằng cảm ứng tự động cho các hộ nuôi lồng bè trên sông.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.