.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hoá nông nghiệp

Cập nhật: 13:31, 21/02/2020 (GMT+7)

Sáng ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT có ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi: Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất để trồng cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; khâu chăm sóc đạt 77%. Nhờ đó, Việt Nam đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh BR-VT. Ảnh: QUANG VŨ
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh BR-VT. Ảnh: QUANG VŨ

Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Cả nước hiện có 7.803 DN cơ khí (có 95 DN có vốn trên 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Hiện nay, 98% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền. Ảnh: QUANG VŨ
Hiện nay, 98% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền. Ảnh: QUANG VŨ

Tại BR-VT trong các năm qua, ngành nông nghiệp đã hình thành và phát triển một hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 800 ngàn tấn nguyên liệu/năm. BR-VT hiện có 640 DN quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019 đạt 46,79 ngàn tỷ đồng, chiếm 23,72% trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến.

QUANG VŨ

 

.
.
.