Những tín hiệu vui từ cảng biển

Thứ Năm, 02/01/2020, 21:09 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày đầu năm mới, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV), nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã cập cảng để làm hàng. Lãnh đạo các DN cảng biển tự tin nhận định, năm 2020 hứa hẹn sẽ là một năm “bận rộn” cho hệ thống cảng của BR-VT.

Tàu Maersk Aerks Emerald cập cảng CMIT ngày 1/1/2020.
Tàu Maersk Aerks Emerald cập cảng CMIT ngày 1/1/2020.

NHỘN NHỊP NGÀY ĐẦU NĂM 

Có mặt tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) vào chiều ngày đầu năm mới, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc rất khẩn trương. Đội ngũ nhân viên ở đây nhanh chóng xếp dỡ  hàng hóa để tàu kịp rời cảng lúc 21 giờ cùng ngày. Đây là chuyến tàu đầu tiên mang tên Maersk Aersk Emerald với trọng tải 140.000 DWT của hãng tàu Maersk line (thuộc liên minh 2M, một trong những hãng tàu lớn nhất trên thế giới) cập CMIT trong ngày đầu năm mới. Ông K.C. Sudeesh, Thuyền trưởng tàu Maersk Aersk Emerald cho biết: Tàu Maersk Aersk Emerald cập cảng CMIT với khoảng 8.500 TEUs hàng hóa xếp dỡ đi Mỹ. Chúng tôi đánh giá cao năng suất xếp dỡ hàng hóa tại CMIT với bình quân 32 move/giờ/cẩu. Đây là mức năng suất cao và ổn định.

Là cảng chiếm thị phần khai thác lớn tại cụm cảng CM-TV, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng tấp nập tàu vào làm hàng trong những ngày đầu năm. Đó là 2 chuyến tàu Nyk Theseus thuộc tuyến dịch vụ PS3 kết nối Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ và tàu Conti Crystal thuộc tuyến dịch vụ PN2 kết nối với bờ Tây nước Mỹ và Canada.  

Được biết, TCIT kết thúc năm 2019 với những dấu ấn mạnh mẽ khi đạt mốc sản lượng 1,96 triệu TEUs thông qua cảng. Tháng 10/2019, nhằm tăng năng lực của cảng TCIT đã đầu tư thêm cẩu bờ STS lớn nhất Việt Nam, 2 cẩu bãi cũng như nhiều trang thiết bị khác. Nhờ đó, trong tháng 12/2019, TCIT đã lần đầu tiên vượt mốc 200.000 TEUs sản lượng thông qua trong 1 tháng. Đây là mức sản lượng thông qua trong tháng kỷ lục mà TCIT đạt được từ khi đi vào hoạt động đến nay. Theo báo cáo của ngành giao thông, cụm cảng nước sâu CM-TV tổng sản lượng hàng xuất nhập khẩu và trung chuyển xếp dỡ tàu mẹ thông qua các cảng đạt trên 3,5 triệu TEUs, với mức tăng trưởng cao khoảng 24% và tiếp tục nằm trong nhóm các cảng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Và cũng làm nền tảng cho năm 2020 với những kết quả vượt trội ngay từ những ngày đầu năm mới. 

Những ngày đầu năm mới, cảng TCIT đã đón nhiều chuyến tàu cập cảng.
Những ngày đầu năm mới, cảng TCIT đã đón nhiều chuyến tàu cập cảng.

DỰ KIẾN DUY TRÌ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TỐT

Nhận định về tình hình triển vọng của ngành cảng biển trong năm 2020 của cụm cảng CM-TV, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng Giám đốc Cảng CMIT bày tỏ sự lạc quan: Năm 2019, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD và Việt Nam vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Với sự phát triển ấn tượng của ngành ngoại thương cả nước mà trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò hết sức quan trọng. Cùng với tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ngành cảng biển nói chung và đặc biệt là khu cảng nước sâu CM-TV nói riêng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng tốt như hiện nay, và tiếp tục là điểm đến thu hút các tàu mẹ quốc tế kích cỡ lớn cập cảng trong năm 2020. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng TCIT cũng lạc quan tin tưởng: Cùng với xu thế hội nhập và phát triển của nền kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, dự kiến trong năm 2020, TCIT sẽ vượt mốc  2 triệu TEUs thông qua cảng, tiếp tục khẳng định được tầm quan trọng và vị thế của TCIT - cảng nước sâu lớn nhất cả nước và là cảng có sản lượng thông qua lớn thứ 2 Việt Nam chỉ sau cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Với những chuyến tàu “mở hàng” mang theo những tín hiệu tốt báo hiệu một năm tiếp tục “ăn nên làm ra” của các DN cảng biển. Tuy nhiên, các DN cảng vẫn còn nhiều trăn trở, đó là CM-TV vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng là cảng trung chuyển quốc tế. Đơn cử như hiện khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi châu Âu vẫn phải trung chuyển tại các nước khác thay vì lên tàu mẹ đi thẳng tại CM-TV do luồng vào CM-TV chưa đủ chuẩn tắc đón những tàu lớn (các tàu tuyến châu Âu đều có kích cỡ khoảng trên 195.000 DWT/18.000 TEUs). Cùng đó, dịch vụ hậu cần cảng, logistics khu vực CM-TV chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối của các DN, thiếu hệ thống các kho bãi container rỗng...

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GT-VT nhấn mạnh: 10 năm qua, CM-TV đã đạt được kết quả ấn tượng, nằm trong top 30 cảng container hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do vướng những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối sau cảng, dịch vụ hậu cần cảng đã trở thành “điểm nghẽn” để CM-TV chưa trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, trong thời gian tới Chính phủ và Bộ GT-VT cần giải quyết những tồn tại, tăng vốn đầu tư tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, đường bộ, đường sắt đó là chấp thuận bổ sung đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, giai đoạn 2020-2021, cần bố trí 2.000 tỷ đồng tiếp tục thực hiện dự án đường nội vùng 991B để phục vụ cho sự phát triển của cảng biển Nhóm 5 nói chung và khu vực CM-TV nói riêng. Có kế hoạch nạo vét luồng hàng đạt chuẩn tắc -15,5 m, hình thành được trung tâm logistic tại CM-TV, từng bước đưa CM-TV gia nhập mạng lưới các cảng trung chuyển khu vực và trên thế giới.

Bài, ảnh: AN NHẬT

;
.