Thu hút đầu tư nước ngoài "chuyển động" đúng định hướng - Kỳ 1: Nâng "chất" dòng vốn FDI

Thứ Ba, 10/12/2019, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, BR-VT được xem là một trong những hạt nhân quan trọng, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Đây cũng là địa phương luôn nằm trong Top dẫn đầu của cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 30 năm qua.

 Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)  đi vào vận hành trong tháng tới. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi thị sát trên công trường dự án Hyosung cuối tháng 10 vừa qua.
Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đi vào vận hành trong tháng tới. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi thị sát trên công trường dự án Hyosung cuối tháng 10 vừa qua.

Với điều kiện về vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, đồng bộ, có nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế, BR-VT là địa điểm lựa chọn ưa thích, hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều dự án với vốn đầu tư hàng tỷ USD đã được “rót” vào đây và đang chuyển động mạnh mẽ.

 

CHUYỂN ĐỘNG TỪ CÁC DỰ ÁN TỶ ĐÔ

Những ngày này, trên công trường Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), hơn 600 công nhân hối hả chạy đua với thời gian để kịp tiến độ, đưa dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch đề ra. Ông Cha Kyong Yong, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sản xuất cho biết: Tính đến đầu tháng 11/2019, dự án đã hoàn thành 96% khối lượng công việc và có  thể vận hành chạy thử trong tháng tới. Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng có diện tích 60ha với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, tương đương 27.000 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu sản xuất polypropylene, ethylene, propylene... từ nguyên liệu đầu vào là khí hóa lỏng và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với sức chứa 240 ngàn tấn. Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được cấp phép hoạt động trong các KCN của tỉnh.

Trong khi đó, tại Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, hơn 1.000 công nhân cũng đang khẩn trương làm việc. Ông Dhep Vongvanich, Giám đốc điều hành Quốc gia Việt Nam (Tập đoàn SCG) cho biết: Tính đến đầu tháng 11/2019, dự án đã triển khai 26,4% tiến độ xây dựng. Theo kế hoạch, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, tuy nhiên SCG đang nỗ lực để đưa dự án đi vào hoạt động trước 1 năm. “Để đẩy nhanh tiến độ, tùy vào từng thời điểm, SCG sẽ tăng cường thêm lực lượng trên công trường. Chẳng hạn như trong quý I/2020, SCG phải huy động thêm 800 công nhân, nâng tổng số làm việc trên công trường lên 1.800 người”, ông  Dhep Vongvanich cho biết thêm.

Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đã hoàn thành 96% tiến độ công việc. Ảnh: SONG THẢO
Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đã hoàn thành 96% tiến độ công việc. Ảnh: SONG THẢO

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Tập đoàn SCG, Thái Lan làm chủ đầu tư (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), được khởi công vào tháng 2/2018.  Ban đầu, dự án có nhiều cổ đông góp vốn nhưng các đối tác được thay đổi nhiều lần trong thời gian qua. Đến tháng 6/2018, Tổ hợp hóa dầu miền Nam đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của DN Thái Lan, sau khi Tập đoàn SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án được tăng lên mức 5,4 tỷ USD, thay cho 3,7 tỷ USD lúc ban đầu. Với số vốn này, dự án LSP là tổ hợp hóa dầu tầm cỡ thế giới và hiện đây là dự án đầu tư ưu tiên hàng đầu của SCG.

Trước đó, với sự nỗ lực của chủ đầu tư, Dự án Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép của Công ty CP Zinc Oxide Việt Nam có tổng mức đầu tư 132 triệu USD, đã hoàn thành thi công tháng 6/2019, chạy thử từ tháng 7/2019. Dự án này có tổng công suất 100.000 tấn/năm. Bụi lò thép sẽ được xử lý tại nhà máy trên dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất ocid kẽm (loại 65%) có thể thay thế kẽm cô đặc. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất kẽm oxid có độ tinh khiết cao (loại 80%), dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ… Dự án được kỳ vọng sẽ xử lý số bụi lò tồn và phát sinh từ 6 nhà máy thép trên địa bàn tỉnh. 

LAN TỎA TỪ CÁC DỰ ÁN “KHỦNG”

Theo Sở KH-ĐT, thời gian qua, nguồn vốn FDI là tác nhân chính thúc đẩy sự hình thành và phát triển các KCN tập trung với các ngành có lợi thế như công nghiệp gắn liền với phát triển hệ thống cảng và các ngành chế biến nông, lâm, hải sản, tạo sự đa dạng về sản phẩm… Thông qua khu vực đầu tư nước ngoài, nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản trong phạm vi địa giới của tỉnh được sử dụng mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong chuyến thị sát 3 dự án lớn trên vào cuối tháng 10/2019, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đánh giá cao công nghệ sản xuất hiện đại đang được chủ đầu tư triển khai xây dựng ở các nhà máy. Đây là những dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp đáng kể nguồn ngân sách cho địa phương và đặc biệt là giải quyết một nguồn lực lớn lao động tại địa phương.

Chẳng hạn, với Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khi hoàn thành đưa vào khai thác, sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, y tế, các loại sản phẩm nhựa và các ngành dịch vụ khác của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hơn 50% sản phẩm của dự án sẽ được xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu của kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á góp phần tạo chân hàng, nâng cao năng lực hoạt động cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ông Cha Kyong Yong, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sản xuất Hyosung cho biết: Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ mang lại doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm, đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 100 triệu USD; thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 600 lao động có kỹ thuật cao. “Nguồn lực làm việc tại Nhà máy sẽ tiếp thu và học hỏi được những nền tảng và kiến thức kỹ thuật phát triển của lĩnh vực hóa dầu, từ đó giúp cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển hơn”, ông Cha Kyong Yong chia sẻ.

Đối với Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam, khi đi vào hoạt động có thể sản xuất được 1,6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu và 2 triệu tấn nguyên liệu cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylene và các sản phẩm khác. Các sản phẩm này có thể giúp thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu. Dự án cũng sẽ giải quyết 1.000 lao động có tay nghề cao, mỗi năm đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 60 triệu USD. Hiện nay, mặc dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng số tiền nộp ngân sách trong năm 2019 của dự án này đã lên tới gần 1.600 tỷ đồng, bằng 650,4% so với cùng kỳ.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 384 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 28 tỷ USD. Số tiền này “đổ” vào tỉnh trong gần 30 năm qua đã thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng, động lực thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Hiện đã có khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại tỉnh, trong đó có các Tập đoàn xuyên quốc gia, có thương hiệu lớn như: ACDL, SMC, Nippon, Mitsubishi, Posco, Sumitomo, Itochu, Kyoei Lotte, Sojitz… đang đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh những năm qua. Để tạo tính lan tỏa trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp chọn lọc dự án, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đóng góp lớn vào tăng trưởng tổng sản phẩm cũng như nguồn thu ngân sách của tỉnh, giúp BR-VT trở thành một trong những điểm sáng trong thu hút FDI của cả nước.

Riêng đối với dự án Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép của Công ty CP Zinc Oxide Việt Nam, được kỳ vọng sẽ xử lý số bụi lò tồn và phát sinh từ 6 nhà máy thép trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, trung bình mỗi năm 6 nhà máy thép đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 75.000 tấn bụi lò. Trong 9 tháng năm 2019, khối lượng phát sinh 47.000 tấn (tương đương 174 tấn/ngày). Trước đây, việc xử lý bụi lò chủ yếu được các DN thép thuê các công ty ở các tỉnh, thành khác đến thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Thực trạng này không chỉ tốn kém nhiều chi phí mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, trong quá trình hợp đồng với các công ty ở địa phương khác vận chuyển, nếu một nhà máy xử lý bụi lò nào bị trục trặc thì lượng bụi lò không được thu gom xử lý. Vì vậy, có những thời điểm, lượng bụi lò tồn đọng trong các nhà máy lên đến hàng chục ngàn tấn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác động đến môi trường.

Bài, ảnh: SONG THẢO

(Còn nữa)

 
;
.