Chưa gỡ được "nút thắt" trong chuyển giao công nghệ

Thứ Hai, 11/11/2019, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về BR-VT để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc ngược lại được xem là một trong những hướng đi mạnh dạn của DN. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động chuyển giao công nghệ đang có nhiều trở ngại cả về thủ tục, cơ chế, chính sách lẫn áp dụng vào thực tiễn khiến không ít DN nản lòng.

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm ký kết với đối tác Singapore chuyển giao công nghệ trồng rau sạch.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm ký kết với đối tác Singapore chuyển giao công nghệ trồng rau sạch.

CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI GẶP KHÓ KHI VỀ VIỆT NAM

Năm 2015, Công ty TNHH Quốc tế Troy (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) bắt đầu làm thủ tục chuyển giao công nghệ chất ổn định đất RoadPacker để sản xuất gạch nén không nung, ứng dụng công nghệ khoá chặt trong xây dựng để thi công nhà về Việt Nam. Đây là công nghệ của Mỹ được phân phối bởi tập đoàn có trụ sở ở Canada. Công nghệ này hiện đã được ứng dụng hơn 100 quốc gia nhưng khi Công ty TNHH Quốc tế Troy đưa công nghệ này về Việt Nam thì gặp nhiều trở ngại. Theo bà Ngô Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Công ty TNHH Quốc tế Troy, để chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, DN phải tốn rất nhiều chi phí mua công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài về Việt Nam đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam lại quá phức tạp, nhiêu khê. Bà Phượng cho biết thêm, để chuyển giao công nghệ, DN phải mất 6 tháng dịch thuật tài liệu chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Việt, sau đó nộp hồ sơ đến các cơ quan chức năng. Nhưng phải mất cả năm trời thủ tục mới được giải quyết xong. Thủ tục đã khó, khi đưa công nghệ về đến Việt Nam, công ty vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại khi áp dụng vào sản xuất, kinh doanh vì các tiêu chí, tiêu chuẩn, hệ số đo lường, hệ số nhận diện… tại Việt Nam vẫn chưa cập nhật tiêu chuẩn quốc tế. Bà Phượng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ GT-VT, Bộ Xây dựng… sớm nghiên cứu đồng bộ các tiêu chuẩn đánh giá công nghệ nước ngoài để hỗ trợ DN phát triển khi chuyển giao công nghệ về Việt Nam.

Cũng là câu chuyện chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, Công ty CP Việt - Séc (TP. Vũng Tàu) cũng đang gặp khó, vì “công nghệ mới” nên Việt Nam chưa có quy chuẩn đánh giá. Theo đó, tàu đóng bằng vật liệu mới polypropylene copolymer (PPC) đã từng được nhận Cúp Vàng KH-CN năm 2012. Loại tàu bằng vật liệu mới này cũng đã được cơ quan đăng kiểm của Cộng hòa Séc công nhận. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại từ chối đăng kiểm, khiến các DN đóng tàu bằng vật liệu PPC như JamesBoat, Công ty CP  Việt - Séc gặp khó khăn.

Tại BR-VT, Công ty CP Việt - Séc là DN KH-CN đầu tiên của tỉnh đóng tàu bằng vật liệu PPC. Hiện nay, do vướng đăng kiểm, các tàu đóng mới bằng vật liệu PPC trị giá hàng chục tỷ đồng đang phải “nằm kho”. Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP Việt - Séc cho biết: Công ty đã mất rất nhiều thời gian kêu cứu với các cơ quan chức năng để đưa tàu đóng bằng vật liệu PPC vào sử dụng. Năm 2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) không đăng kiểm tàu đóng bằng vật liệu PPC với lý do, loại vật liệu quá mới, chưa có tiêu chuẩn quy phạm.

Công ty TNHH Quốc tế Troy chuyển giao công nghệ ổn định đất RoadPacker để sản xuất gạch nén không nung, ứng dụng công nghệ khóa chặt của Mỹ trong xây dựng thi công nhà ở tại Việt Nam.
Công ty TNHH Quốc tế Troy chuyển giao công nghệ ổn định đất RoadPacker để sản xuất gạch nén không nung, ứng dụng công nghệ khóa chặt của Mỹ trong xây dựng thi công nhà ở tại Việt Nam.

LÀM GÌ ĐỂ GỠ KHÓ CHO DN?

Trong khi các DN gặp khó khăn về thủ tục, quy định khi chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam để ứng dụng vào sản xuất thì những DN chuyển giao công nghệ đến các nước khác lại khó khăn về vốn, về tiếp cận thị trường… Câu chuyện của Nông trại Vifarm (TP.Vũng Tàu) là một ví dụ. Tháng 3/2018, lần đầu tiên, một DN Việt Nam đã xuất khẩu thành công mô hình trồng rau sạch công nghệ cao sang Singapore thông qua việc hợp tác với DN nước sở tại là Công ty DL Edvance. Ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm cho biết, với sự hợp tác này, DL Edvance Singapore sẽ hỗ trợ Vifarm trong việc xây dựng thương hiệu, marketing và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, trong đó bao gồm các sản phẩm nông sản và công nghệ trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh hồi lưu. Theo ông Tú, Vifarm gặp khó khi phải tự “tìm đường” để đưa công nghệ Việt Nam ra thị trường thế giới. “Trong khi đó những DN non trẻ như Vifarm không chỉ cần những đơn vị kết nối thị trường cho DN mà còn cần được hỗ trợ về tài chính để nghiên cứu đổi mới công nghệ cho phù hợp với từng quốc gia khi họ mua công nghệ của Việt Nam”, ông Tú nói.

Theo một DN KH-CN khác tại BR-VT, trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc thu hút công nghệ từ các nước tiên tiến là một nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia. Theo đó, Nhà nước cần hạn chế công nghệ lạc hậu nhập khẩu vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời ưu tiên, khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo ra sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi chuyển giao công nghệ về Việt Nam phía DN mong muốn được tạo điều kiện về các thủ tục. Đồng thời cần có sự đồng nhất giữa quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn quốc tế để giảm bớt thiệt hại cho DN.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.