Chấn chỉnh việc lạm thu tiền điện tại các chợ

Thứ Năm, 07/11/2019, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, hầu hết các Ban Quản lý chợ (BQL) trên địa bàn tỉnh đều thực hiện việc thu tiền điện của các hộ tiểu thương cao hơn so với giá bán lẻ của ngành điện. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng điện là hộ tiểu thương so với các hộ kinh doanh đơn lẻ khác. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đã đề xuất giải pháp chấn chỉnh việc lạm thu tiền điện ở các chợ.

Bảo vệ chợ Long Điền kiểm tra đồng hồ điện tổng của chợ.
Bảo vệ chợ Long Điền kiểm tra đồng hồ điện tổng của chợ.

THU VƯỢT TỪ 10-20%

Hiện nay, Công ty Điện lực BR-VT áp giá bán lẻ điện kinh doanh cho hộ tiểu thương ở các chợ trên địa bàn tỉnh với hình thức 3 giá theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công thương. Theo đó, giá bán điện áp dụng vào giờ bình thường 2.666 đồng/kWh + 10% VAT = 2.932 đồng/kWh; giờ thấp điểm (22 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau) 1.622 đồng/kWh + 10% VAT = 1.784 đồng/kWh; giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 20 giờ) 4.587 đồng/kWh + 10% VAT = 5.045 đồng/kWh.

Giá bán điện của Công ty Điện lực BR-VT cho hộ tiểu thương ở các chợ như trên, nhưng ông Hồ Trung Trực, Phó Chánh Thanh tra Sở Công thương cho biết, qua kiểm tra gần đây, nhiều BQL các chợ đã thu tiền điện của các hộ tiểu thương cao hơn so với tổng số tiền trong hóa đơn tiền điện do Công ty Điện lực BR-VT phát hành (đã tính thuế VAT 10%). Cụ thể, kiểm tra xác suất hóa đơn tiền điện của Công ty Điện lực BR-VT xuất cho BQL chợ Long Hải và biên lai thu tiền điện của BQL chợ đã thu của các hộ tiểu thương trong tháng 8 và tháng 9/2019, phát hiện số tiền điện thu tăng hơn 20%. Tương tự, chợ Long Điền thu tăng 19%, chợ Ngãi Giao thu tăng 13%,  chợ Phước Hải thu tăng 10%, chợ Hắc Dịch thu tăng 12,6%, chợ Bà Rịa thu tăng 13%...  

Thực tế trên cho thấy, các BQL chợ thu tiền điện đối với các hộ tiểu thương như hiện nay là chưa phù hợp với quy định. Bởi, giá bán điện của Công ty Điện lực BR-VT áp dụng cho BQL các chợ là giá bán lẻ điện tối đa quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công thương. Mặt khác, theo Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) “Về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL chợ” hầu hết BQL các chợ được kiểm tra nêu trên là đơn vị sự nghiệp có thu và không có chức năng kinh doanh điện. Như vậy, BQL chợ không phải là đơn vị điện lực (đơn vị bán lẻ điện) và không thể đáp ứng điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực”.

Bà con tiểu thương Trung tâm thương mại Bà Rịa (TP.Bà Rịa) sử dụng điện thắp sáng phục vụ kinh doanh.
Bà con tiểu thương Trung tâm thương mại Bà Rịa (TP.Bà Rịa) sử dụng điện thắp sáng phục vụ kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề thu tiền điện ở chợ, ông Phan Thiên Khiêm, Trưởng BQL chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) cho biết, từ tháng 4/2019, chợ Ngãi Giao thực hiện thu tiền điện của tiểu thương ở mức 4.447 đồng/kWh. Giá điện thu của tiểu thương so với giá bán điện của Công ty Điện lực BR-VT có sự chênh lệch, nhưng phần thu vượt được BQL chợ sử dụng vào mục đích bảo trì, sửa chữa đường dây, công tơ điện khi có sự cố. Ngoài ra, khoản tiền chênh lệch còn được dùng bù vào hao phí truyền tải điện, trả lương cho nhân viên bảo trì và một số mục đích liên quan khác. BQL chợ Ngãi Giao đã có tờ trình gửi Sở Công thương và có biên bản làm việc, giải trình về việc tăng giá điện và thông báo với các tiểu thương đang buôn bán tại chợ.

Còn bà Nguyễn Thị Phượng, Phó BQL chợ Long Điền cho hay, ngày 2/1/2019, Tổ Quản lý điện chợ Long Điền đã ký biên bản thỏa thuận về mức thu tiền điện với các tiểu thương mức giá 5.000 đồng/kWh. Mức giá này có sự chênh lệch so với giá bán điện của Công ty Điện lực BR-VT là do các chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng điện của tiểu thương đều do Tổ Quản lý điện chợ Long Điền chi trả, như: phí hao hụt điện qua đường truyền tải từ công tơ tổng đến đồng hồ điện (phụ) của các tiểu thương gắn tại vị trí kios, sạp, ô đang kinh doanh; chi phí thay đường dây điện mới, sửa chữa các thiết bị điện khi có sự cố; vào các ngày mưa, bão thì mở đèn liên tục phục vụ việc buôn bán của tiểu thương.

Tuy nhiên, một số tiểu thương cho biết, mỗi khi sửa chữa đường dây điện bị hư hỏng, hoặc thay mới đồng hồ điện sử dụng đã cũ (trên 5 năm) họ đều phải đóng tiền. “Lâu nay, BQL chợ thông báo thu tiền điện bao nhiêu là tiểu thương cứ đóng bấy nhiêu. Giá điện thu như hiện nay đối với các hộ tiểu thương là cao, cần điều chỉnh sao cho phù hợp”, bà Lý Minh, tiểu thương quầy tạp hóa Lý Minh (ô 36) chợ Long Điền kiến nghị.

TỔ CHỨC LẠI VIỆC MUA BÁN ĐIỆN Ở CHỢ

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát và chấn chỉnh công tác thu tiền điện tại các chợ trên địa bàn quản lý. Cụ thể, đối với các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng, BQL chợ thực hiện thu tiền điện của hộ tiểu thương theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do ngành điện lực phát hành. Hoặc phối hợp với bên bán điện để thực hiện quy định tại Điều 5 Thông tư số16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương như sau: “ Trường hợp bên mua điện thuộc đối tượng áp dụng hình thức ba giá, nhưng có các tổ chức, cá nhân dùng chung công tơ không thuộc đối tượng áp dụng hình thức ba giá, bên mua điện phải phối hợp với bên bán điện để tách riêng công tơ cho các tổ chức, cá nhân này thành khách hàng sử dụng riêng để ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp và áp giá theo đúng đối tượng sử dụng”.

Hiện tại Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát và chấn chỉnh công tác thu tiền điện tại các chợ trên địa bàn quản lý. Trong ảnh: Tiểu thương chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) thắp đèn để bán hàng buổi tối. Ảnh: NGỌC BÍCH
Hiện tại Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát và chấn chỉnh công tác thu tiền điện tại các chợ trên địa bàn quản lý. Trong ảnh: Tiểu thương chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) thắp đèn để bán hàng buổi tối. Ảnh: NGỌC BÍCH

Đối với các chợ do DN đầu tư xây dựng, DN chỉ thực hiện hoạt động bán lẻ điện khi đáp ứng điều kiện theo Điều 6 Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, quy định: Có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện được cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Luật Điện lực; Có sổ sách kế toán theo quy định, trong đó phần kinh doanh bán lẻ điện phải được hạch toán tách biệt với các hoạt động kinh doanh khác; Có hợp đồng mua bán điện và công tơ đo đếm điện lắp đặt cho từng hộ sử dụng điện theo quy định của Luật Điện lực; Có phát hành hóa đơn tiền điện theo quy định của Bộ Tài chính cho từng khách hàng sử dụng điện theo từng kỳ thanh toán được quy định trong hợp đồng mua bán điện.

ÔNG TRẦN THANH HẢI, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY ĐIỆN LỰC BR-VT

Cần công khai việc sử dụng số tiền điện thu vượt quy định

Hiện nay, việc cung cấp điện cho tiểu thương tại các chợ được Công ty Điện lực BR-VT ký hợp đồng trực tiếp với BQL chợ với giá kinh doanh và theo giờ cao điểm, thấp điểm, thời gian bình thường. Đồng hồ điện tổng được ngành điện lắp đặt tại một số vị trí tập trung trong chợ. Sau đó, BQL chợ thực hiện việc lắp đặt các đồng hồ phụ đến từng quầy, sạp của tiểu thương. Vì vậy, số tiền mà BQL chợ thu vượt, có thể được sử dụng vào chi phí kéo đường dây điện từ nơi đặt đồng hồ tổng đến từng đồng hồ phụ, hao hụt điện trên đường dây, tiền quản lý, vận hành, sửa chữa đường dây điện... Tuy nhiên, số tiền điện thu vượt được sử dụng vào mục đích gì cần phải được công khai, minh bạch và thông báo đến các tiểu thương để họ được biết. Về phía ngành điện, cũng có thể thực hiện việc lắp đặt điện kế trực tiếp đến từng hộ tiểu thương, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo dưỡng.

Khi đã đáp ứng các điều kiện nêu trên, DN đầu tư chợ liên hệ với Điện lực địa phương để được áp giá bán buôn điện và thực hiện bán lẻ điện cho khách hàng theo đúng giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương. Trường hợp không đáp ứng điều kiện bán lẻ điện như trên, DN đầu tư chợ thực hiện việc thu tiền điện tương tự như các chợ do ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng.

Bài, ảnh: PHÚC MINH- NGỌC BÍCH

;
.