Sông Thị Vải - Cửa ngõ giao thương quốc tế - Kỳ 1: Chuyện về dòng sông mang tên phụ nữ

Thứ Tư, 16/10/2019, 19:13 [GMT+7]
In bài này
.

Dòng sông Thị Vải có thượng nguồn tiếp giáp với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai rồi chảy vào địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu tại TX.Phú Mỹ. Dòng sông mang tên người phụ nữ có những chuyện thú vị về sự tích tên gọi, căn cứ của lực lượng quân đội đặc biệt, cuộc sống cư dân ven sông.

Dòng sông Thị Vải là luồng thủy nội địa quan trọng nối liền với luồng giao thông hàng hải. Trong ảnh: Tàu chở hàng đang lưu thông trên sông Thị Vải.
Dòng sông Thị Vải là luồng thủy nội địa quan trọng nối liền với luồng giao thông hàng hải. Trong ảnh: Tàu chở hàng đang lưu thông trên sông Thị Vải.

Dòng sông Thị Vải chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng hơn 40km, tính từ cảng khu vực KCN Mỹ Xuân A2 (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) đến ngã ba sông Gò Da (phường Tân Phước, TX.Phú Mỹ) khu vực được bao quanh bởi các khu rừng sác ngập mặn, tạo nên vùng nước khá rộng, khoảng cách giữa các bờ sông có nơi hơn 1.000m, chiều sâu trung bình mực nước thấp nhất của mỗi đoạn sông từ 14-20m, nhiều khúc sông sâu từ 20-40m có thể tiếp nhận tàu tải trọng đến 100.000 DWT. Sau đó, dòng chảy hòa hợp của 2 con sông Thị Vải và Gò Da đổ ra biển tại vịnh Rành Gái.

Sông Thị Vải có đoạn đi qua gần núi Thị Vải với khoảng cách chừng 3km, nên sông cũng được đặt tên Thị Vải. Chữ “vải” trong tiếng Việt nghĩa là người đàn bà lớn tuổi tu ở chùa thờ Phật (bà vải). Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) đã chép lai lịch của núi Thị Vải (lúc đó gọi là núi Nữ Tăng) như sau: “Núi Nữ Tăng (tục gọi là núi Bà Vải) ở về đất huyện Long Thành (thời xưa núi đó thuộc phạm vi huyện Long Thành). Trước có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, kén chọn lỡ thời, sau khi cha mẹ chết mới lấy chồng. Không bao lâu người chồng ấy chết, thề quyết không đi bước nữa, khổ vì bọn thế hào cứ sai người đến mối lái quấy nhiễu, bèn trốn đời cắt tóc đi tu, dựng am ở núi, tự làm sư thầy, tôi tớ thì làm đồ đệ, tụng niệm tu trì, bèn nên chính quả, người ta nhân đó mà gọi tên núi”. Như vậy, lúc đầu núi này tên gọi là núi Nữ Tăng hay Bà Vải, vì ở đó có một Bà Vải với sự tích như nói trên, dần dần người ta gọi “Bà Vải” lại là “Thị Vải”. Núi Thị Vải và sông Thị Vải đều có chung nguồn gốc tên gọi như vậy.

Trong cuộc đấu tranh năm xưa để giành lấy độc lập - tự do cho hôm nay, sông Thị Vải cũng là nơi ghi dấu ấn về hoạt động của đặc công thủy rừng Sác - lực lượng đặc biệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đây là đội quân tinh nhuệ, tập hợp của những người lính ưu tú từ mọi miền đất nước, có biệt tài bơi lội như rái cá, ngâm mình dưới nước nhiều giờ liền như dạo chơi vườn hoa. Họ được huấn luyện thành những bậc thầy về chế tạo bom mìn, thuốc nổ, thành thạo việc cắt hàng rào, ém mình dưới sình lầy, trong bụi cây, xoa trát bùn lên người nhằm ngụy trang ẩn mình đánh lừa quân địch, kể cả chó trinh sát để gài bom mìn, thuốc nổ hẹn giờ đánh phá vào mục tiêu và rút lui an toàn về căn cứ rừng ngập mặn. Từ khi thành lập lực lượng đặc công rừng Sác năm 1966 đến ngày giải phóng 30/4/1975, lực lượng này đã thực hiện hàng trăm trận đánh lớn nhỏ đánh chìm tàu chiến của giặc, phá hủy kho bom thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè… Trong đó, có những trận đánh xuất kích từ sông Thị Vải - một trong những địa bàn hoạt động của đặc công rừng Sác lẫy lừng chiến công.

Do thông với cửa biển vịnh Gành Rái, nên sông Thị Vải là sông nước mặn. Dọc theo dòng chảy là những khu rừng ngập mặn với hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú. Những nhánh sông, rạch của dòng sông Thị Vải có những tên gọi do cư dân địa phương tự đặt rất đẹp hoặc dân dã như: nhánh Vàm Hưng Mỹ, sông Cây Mắm, ngã ba Ông Róc, rạch Bà Thơm… Ở những nơi này, nhiều người dân hàng ngày đều mưu sinh bằng nghề quăng lưới bắt cá, đặt lưới rập trên sông hay vào rừng bắt cua, ốc. Việc nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là cá chẽm, cá rô phi nước lợ, tôm, cua) ven các nhánh sông, rạch cũng là nguồn thu nhập khá, cải thiện đời sống kinh tế cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, việc kiểm soát môi trường chưa được tốt, nên đôi khi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng và sản lượng vật nuôi.

Dòng sông Thị Vải đã và đang được khai thác, trở thành luồng thủy nội địa quan trọng nối liền với luồng hàng hải, phục vụ cho hoạt động giao thương quốc tế trong sự nghiệp phát triển đất nước và quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

(Xem tiếp kỳ sau)

;
.