Những cửa tiệm lâu năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu:Lò bánh mì Thành Nhân

Thứ Tư, 23/10/2019, 19:28 [GMT+7]
In bài này
.

Bánh mì là loại bánh được du nhập từ châu Âu đến Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XIX, dưới thời Pháp thuộc. Từ lâu, bánh mì đã trở thành món ăn bình dân, phổ biến và được ưa chuộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có người dân Bà Rịa-Vũng Tàu.

Anh Nguyễn Quang Lữ, chủ lò bánh mì Thành Nhân bên mẻ bánh mới ra lò.
Anh Nguyễn Quang Lữ, chủ lò bánh mì Thành Nhân bên mẻ bánh mới ra lò.

Bánh mì du nhập vào Việt Nam và xuất hiện đầu tiên trên những con phố Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh), sau đó lan rộng ra các tỉnh Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc.

Ngày 1/5/1895, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định thành lập thành phố Cap Saint Jacques (tức Vũng Tàu ngày nay). Thời điểm này, Vũng Tàu tập trung khá đông công chức và binh lính người Pháp đến sinh sống, làm việc ở các biệt thự nằm dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Lê Lợi. Phục vụ nhu cầu ăn uống cho người Pháp ban đầu chủ yếu là đội ngũ đầu bếp được đưa từ Pháp sang, sau đó dần được thay thế bằng người Việt. Cũng từ đây, người Việt ở Vũng Tàu đã học được nghề làm bánh mì từ các đầu bếp người Pháp. Quá trình biến đổi thăng trầm lịch sử, nhiều lò bánh mì lâu đời từ thế kỷ XX đến nay vì nhiều lý do khác nhau đã không còn duy trì.

Hiện nay, Vũng Tàu có khá nhiều lò bánh mì. Quanh khu vực trung tâm phải kể đến lò bánh mì 196 Lê Lai; Chung Kim (66 Tú Xương); Chung Tâm (21 Cô Giang), Thái Dũ (444 Lê Lợi); Thanh Thảo (594 Trần Phú)… Các lò này lâu nhất cũng được vài ba chục năm, còn lại khoảng hơn chục năm. Tuy nhiên, trong số các lò bánh mì lâu đời phải kể đến lò Thành Nhân (12 Trần Đồng, phường 3, TP. Vũng Tàu). Chủ lò là anh Nguyễn Quang Lữ, quê huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm nay anh Lữ 46 tuổi, trong đó có gần 30 năm gắn bó với  nghề làm bánh mì. Anh Lữ cho biết, năm 1992, anh rời quê hương vào Vũng Tàu sinh sống. “Đi qua các lò bánh mì, thấy mùi bánh vừa mới ra lò thơm nức, hấp dẫn kỳ lạ. Vậy là tôi tìm hiểu về cách làm, sau đó quyết định học và khởi nghiệp bằng nghề làm bánh mì”, anh Lữ chia sẻ cơ duyên.  

Sản phẩm của lò bánh mì Thành Nhân chủ yếu là bánh mì xốp truyền thống và bánh mì đặc ruột. Ngoài ra, anh Lữ còn làm thêm bánh mì que, ăn cùng các món chế biến từ thịt bò, gà, heo trong tiệc hiếu, hỉ. Lò vừa bỏ mối cho các tiệm bánh vừa bán lẻ cho khách.

Anh Lữ chia sẻ, quy trình làm bánh mì khá đơn giản. Nguyên liệu chủ yếu là bột mì, trộn với muối, nước, men, sau đó đem ủ, rồi cắt, se bột thành từng chiếc bánh nhỏ xinh, đặt trên khuôn vào đưa vào lò nướng. Trước đây, bánh mì được nướng thủ công trong lò gạch, đốt củi hoặc than. Để có mẻ bánh ngon, người thợ phải dùng hai mái chèo đảo liên tục cho bánh chín đều, không bị cháy. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các lò đã được đầu tư máy móc hiện đại, với các quy trình khép kín từ khâu trộn bột, chia bột, se bánh đến khâu nướng bằng lò điện. Khuôn bánh làm bằng inox thay khuôn gỗ trước đây, vừa tiết kiệm được nhân công, năng suất cao hơn và chất lượng luôn được bảo đảm. Sản phẩm là những chiếc bánh vàng ruộm, giòn rụm.

Từ lâu, nhiều người dân Vũng Tàu đã quen dùng bánh mì từ lò Thành Nhân. Anh Lữ cho biết, để bánh mì luôn giữ được chất lượng, lò bánh luôn tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm từ đầu vào là chọn bột, chế biến đến khi giao hàng…  

Mỗi sáng, chúng ta thưởng thức một ổ bánh mì thịt nguội, bánh mì ốp la, bánh mì bò kho hoặc bánh mì chả cá… vừa ra lò, còn thơm nức mùi bột mì, mùi bơ, mùi gia vị, nào mấy ai biết những người thợ làm bánh như anh Lữ phải thức dậy từ 1-2 giờ sáng để chuẩn bị làm bánh, bảo đảm cung cấp kịp thời cho các tiệm bán bánh mì hàng ngày.

        NGUYỄN DUYÊN TÂM

;
.