Kiểm soát ô nhiễm từ các cơ sở chế biến mủ cao su và bột mì

Thứ Hai, 28/10/2019, 19:18 [GMT+7]
In bài này
.

Chế biến mủ cao su và bột mì là 2 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao nên được xếp vào nhóm “điểm nóng” ô nhiễm môi trường, cần giám sát chặt chẽ. 2 năm gần đây, tỉnh BR-VT đã thực hiện kiểm tra, giám sát chặt hoạt động xả thải của DN và di dời một số nhà máy ra khỏi khu dân cư.

Nhà máy chế biến bột mì Hữu Minh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sau khi di dời vào khu sản xuất tập trung tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc.
Nhà máy chế biến bột mì Hữu Minh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sau khi di dời vào khu sản xuất tập trung tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc.

Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng nằm giáp ranh giữa 2 xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) và xã Long Phước (TP. Bà Rịa). Qua tìm hiểu được biết, nhà máy này trực thuộc Công ty TNHH MTV Phát Hưng Tây Ninh, hoạt động sơ chế mủ cao su từ năm 2006. Năm 2010, DN này đã bị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài và không thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục. Năm 2013, nhà máy Phát Hưng được cấp phép hoạt động trở lại khi đã xây dựng được đề án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, từ đó đến nay, nhà máy này vẫn tiếp tục gây mùi hôi và xả thải ra môi trường. 

Bà Trương Thị Việt (tổ 2, ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) cho biết: “Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng thường thải ra mùi hôi thối nồng nặc, nhất là khoảng thời gian từ đêm về sáng. Mỗi khi hoạt động, nhà máy còn thải ra môi trường loại nước đen sì, gây ô nhiễm, khiến một số diện tích đất ruộng của người dân gần khu vực này không thể canh tác được”.

Cuối năm 2018, Sở TN-MT đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất của nhà máy và phát hiện mương đất phía sau lưng hồ sinh học có hiện tượng bùn lắng màu đen, bốc mùi hôi thối. Còn tại khu vực tập kết nguyên liệu, các kho chứa chưa có gờ thu gom nước rỉ, chưa có biện pháp tách riêng hệ thống nước thải và nước mưa, chưa làm đầy đủ các hố ga thu gom và các đường ống thoát nước thải sau khi xử lý, khí thải phát tán mùi hôi ra môi trường trong phạm vi gần khu vực nhà máy. Ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng kéo dài nhiều năm. Hiện Sở TN-MT đang yêu cầu DN này khắc phục ô nhiễm.

Ngoài nhà máy chế biến mủ cao su, 3 nhà máy chế biến bột mì Duy Phát, Hương Nhung, Hữu Minh (nằm trên địa bàn xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) thường xuyên gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cụ thể, các nhà máy đã xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật… Trong đó, 2 nhà máy Duy Phát, Hương Nhung đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường. Từ tháng 6/2019, UBND tỉnh đã có quyết định di dời các nhà máy bột mì vào khu sản xuất tập trung thuộc địa bàn xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc), nằm cách xa khu dân cư.

Để phòng ngừa, cải thiện, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 4/6/2018 về thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện, khắc phục ô nhiễm. Theo đó, trong thời gian tới, đối với hoạt động chế biến tinh bột mì và chế biến cao su, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng tăng cường công tác giám sát. Cụ thể, giao cho UBND huyện Châu Đức thành lập tổ giám sát cộng đồng để giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà máy cao su Phát Hưng; giao UBND huyện Xuyên Mộc tiếp tục giám sát, yêu cầu 3 nhà máy chế biến tinh bột mì tại xã Hòa Hưng chỉ được hoạt động tại vị trí mới khi đã hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường theo quy định...

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến mủ cao su và 4 nhà máy chế biến bột mì đang hoạt động. Nhận diện chế biến mủ cao su và bột mì là 2 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao nên việc kiểm soát hoạt động của các nhà máy này được thực hiện khá chặt chẽ. Trong năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức 5 đợt với 16 lượt giám sát, trinh sát nhà máy chế biến cao su và 4 đợt với 10 lượt giám sát, trinh sát nhà máy chế biến bột mì để theo dõi, phát hiện kịp thời hoạt động xả thải của các nhà máy…

Để quản lý, giám sát chặt chẽ tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ông Phạm Quý Nhân kiến nghị, về lâu dài, để bảo đảm môi trường, đề xuất UBND tỉnh di dời các nhà máy chế biến mủ cao su (trên địa bàn huyện hiện còn 2 nhà máy là Phát Hưng và Xà Bang) vào KCN Sonadezi nhằm quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất của DN; đồng thời nằm xa khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.