.

Chợ "hụt hơi" trong cuộc cạnh tranh bán lẻ

Cập nhật: 19:13, 30/10/2019 (GMT+7)

Không cạnh tranh được trước sự bùng nổ của mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cũng như không cạnh tranh được với khả năng phân phối hàng hóa đến vùng sâu, chợ truyền thống đang dần “hụt hơi”.

Chợ Hắc Dịch được đầu tư xây mới khang trang, sạch sẽ, nhưng vẫn vắng khách.
Chợ Hắc Dịch được đầu tư xây mới khang trang, sạch sẽ, nhưng vẫn vắng khách.

Hơn 9 giờ nhưng chợ Vũng Tàu vẫn khá vắng vẻ. Nhiều ki ốt không có khách. Một số ki ốt đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, tiểu thương bán quần áo tại khu A chợ Vũng Tàu cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm mọc lên như nấm, thêm vào đó, dịch vụ mua sắm online và giao hàng tận nơi ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nên sức mua tại chợ giảm. “Trước đây, buôn bán đắt khách lắm, nhưng giờ chợ kinh doanh ngày càng ế ẩm nên lượng hàng bán ra cũng giảm mạnh đến một nửa. Ngày cao nhất tôi bán cũng chỉ được 3-5 sản phẩm, khoảng 700 ngàn đồng, có ngày ngồi từ sáng đến tối không bán được đồng nào”, chị Thanh nói.

Ghi nhận tại chợ Tân Thành, chợ Ngọc Hà (TX. Phú Mỹ), chợ Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) cũng cho thấy, sức mua giảm so với trước đây. Theo đại diện Ban Quản lý chợ Tân Thành, nhiều năm nay chợ luôn trong tình trạng ế ẩm. Người dân chủ yếu đến chợ để mua những mặt hàng thực phẩm tươi sống, còn đồ gia dụng, quần áo, giày dép... rất ít khách mua. Đặc biệt, từ năm 2018, khi siêu thị Co.op Mart Phú Mỹ đi vào hoạt động, người dân đến chợ mua sắm càng vắng hơn. Bà Trương Thị Phương, tiểu thương chợ Tân Thành cho biết: “Do xung quanh chợ các điểm kinh doanh tự phát mọc lên rất nhiều, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, kênh bán hàng online phục vụ khách hàng tận nơi nên tiểu thương ở chợ không cạnh tranh nổi. Như tôi bán mỹ phẩm, có ngày dọn hàng ra từ sáng đến chiều tối chỉ bán được mỗi cây chì kẻ chân mày 20.000 đồng, ngày nhiều cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng, trong khi tính thời gian làm việc cũng khoảng 10-12 tiếng. Tôi đang tính sang tiệm để làm công việc khác”.

Buôn bán ế ẩm, chợ Năm Tầng đã thu hẹp diện tích gần một nửa so với ban đầu. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Năm Tầng, TP. Vũng Tàu.
Buôn bán ế ẩm, chợ Năm Tầng đã thu hẹp diện tích gần một nửa so với ban đầu. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Năm Tầng, TP. Vũng Tàu.

Theo đánh giá của ngành công thương, từ đầu năm đến nay, sức mua ở các chợ truyền thống, nhất là chợ ở khu vực nông thôn giảm từ 10-20% so với cùng kỳ. Chợ truyền thống hiện đang phải “gồng mình” trong cuộc cạnh tranh với các kênh mua sắm hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, kênh thương mại điện tử… Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 siêu thị lớn, 45 cửa hàng tiện lợi của VinMart+, 15 cửa hàng của Bách hóa Xanh và hệ thống cửa hàng tiện lợi của FamilyMart, Circle K, Co.op Food... Các kênh phân phối bán lẻ hiện đại này đã phủ sóng rộng khắp và nằm gần các khu dân cư. Nguồn cung hàng hóa bày bán trong các kênh mua sắm hiện đại này tương đối đa dạng, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trên thực tế, những bế tắc trong kinh doanh ở chợ truyền thống đã được nhận diện từ lâu, nhưng cho đến lúc này, vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Các tiểu thương vẫn chưa điều chỉnh cách thức bán hàng để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc khách hàng hay chương trình khuyến mãi gần như là khoảng trống ở các chợ. Chị Nguyễn Thị Bình, người dân phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) cho biết, trước đây TX. Phú Mỹ chưa có siêu thị, chị thường đến chợ mua sắm. Tuy nhiên, hiện nay tại địa phương, siêu thị, cửa hàng bán lẻ mọc lên như nấm nên việc mua sắm ở đây cũng thuận lợi hơn. “Mua sắm tại siêu thị sạch sẽ, thoáng mát chứ không nóng bức, hay lo nước bẩn, nước cá tôm bắn lên quần áo. Hơn nữa mua hàng trong siêu thị, người dân chúng tôi cũng bớt đi nỗi lo về xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giá cả lại niêm yết rõ ràng”, chị Bình cho biết thêm.

Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho biết, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hiện đại đã tạo bộ mặt mới cho thị trường bán lẻ của tỉnh, góp phần giải quyết vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vốn là nỗi lo của người tiêu dùng hiện nay. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, qua mỗi lần kiểm tra, tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra. Hơn nữa, cơ sở vật chất nhiều chợ đã xuống cấp, công tác chăm sóc khách hàng chưa được tiểu thương quan tâm… Đó là sức ép không nhỏ đối các chợ truyền thống, trong khi đó tại các kênh phân phối hiện đại, các vấn đề tồn tại này đã được khắc phục. Do đó, để tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập và thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, chợ truyền thống cần phải thay đổi phương thức hoạt động trong giao tiếp, kỹ năng bán hàng, quan tâm đến phần hậu mãi, chăm sóc khách hàng...

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.