Quy định vùng đánh bắt dựa trên chiều dài thân tàu: Ngư dân "trở tay không kịp"

Thứ Tư, 14/08/2019, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Theo quy định mới của Luật Thủy sản, hiện nay, việc tàu cá được phép đánh bắt xa bờ hay không được quy định dựa trên chiều dài thân tàu thay vì công suất như trước đây. Điều này đã khiến một số ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn khi hành nghề.

Quy định về chiều dài thân tàu khi đánh bắt ở các vùng biển đã khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn, gây nguy cơ tăng áp lực cho vùng biển gần bờ, dễ gây tận diệt nguồn lợi thủy sản. Trong ảnh: Ngư dân tại cảng Bến Đá, TP.Vũng Tàu lấy cá từ khoang tàu.
Quy định về chiều dài thân tàu khi đánh bắt ở các vùng biển đã khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn, gây nguy cơ tăng áp lực cho vùng biển gần bờ, dễ gây tận diệt nguồn lợi thủy sản. Trong ảnh: Ngư dân tại cảng Bến Đá, TP.Vũng Tàu lấy cá từ khoang tàu.

NHIỀU TÀU CÁ RƠI VÀO THẾ KHÓ

Ngày 8/3/2019, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ra đời quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, Điều 43 quy định, đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, chỉ hoạt hoạt động tại vùng khơi, không được đánh bắt tại vùng ven bờ và vùng lộng; tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m chỉ được hoạt động ở tuyến lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m chỉ hoạt động tại vùng ven bờ. Quy định này giúp tạo cơ sở pháp lý để chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản ở các vùng biển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát hoạt động nghề cá theo hướng bền vững. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến một số ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.

Phân loại cá tại Cảng Hưng Thái (huyện Long Điền).
Phân loại cá tại Cảng Hưng Thái (huyện Long Điền).

Ông Trần Lãm (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đánh bắt bằng lưới cá đổng tại vùng lộng. Đặc thù của loại hình này là tàu có chiều dài lớn trên 15m nhưng vì đánh ở vùng lộng nên không yêu cầu công suất máy lớn, chỉ khoảng 300CV. Tuy nhiên, theo quy định mới, tàu của ông dài trên 15m nên bắt buộc phải đánh bắt ở vùng khơi. Ông Lãm cho biết: “Vì công suất nhỏ nên tàu không thể chịu được sóng, gió ở vùng biển xa. Mà nếu chịu được thì ở vùng khơi cũng không có thủy sản phù hợp với loại hình đánh bắt của tàu. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục đánh ở vùng lộng thì vi phạm quy định. Do đó, tôi và một số ngư dân khác đang rất lo lắng”.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Hoàng (phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết, cặp tàu của ông có công suất lên đến 700CV/chiếc nhưng chỉ có chiều dài 14m. Như vậy, theo quy định, tôi phải đánh bắt ở vùng lộng. Trước đây, theo quy định dựa vào công suất để xác định vùng đánh bắt nên ngư dân chỉ căn cứ vào vùng đánh bắt, thời tiết và thói quen đi biển để đóng tàu phù hợp. Bây giờ, quy định kích thước khiến nhiều tàu cá không được đánh bắt ở vùng biển phù hợp với loại nghề của mình. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân có kinh nghiệm lâu năm nhận định, những năm qua, nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ đã suy giảm nghiêm trọng, nay nếu để các tàu có công suất lớn nhưng không đủ chiều dài đánh bắt gần bờ (vùng nhiều loại thủy, hải sản sinh sản) sẽ gây áp lực lớn đến việc phục hồi nguồn lợi thủy sản của các ngư trường.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã cho phép các tàu cá sửa chữa, cải hoán để phù hợp với quy định mới về chiều dài thân tàu và vùng đánh bắt.  Trong ảnh: Ngư dân phường 5, TP.Vũng Tàu chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi. Ảnh: QUANG VINH
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã cho phép các tàu cá sửa chữa, cải hoán để phù hợp với quy định mới về chiều dài thân tàu và vùng đánh bắt. Trong ảnh: Ngư dân phường 5, TP.Vũng Tàu chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi. Ảnh: QUANG VINH

ĐÃ CÓ HƯỚNG THÁO GỠ

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh, ngay sau khi Nghị định 26 có hiệu lực, đơn vị đã nhận được nhiều phản ánh của ngư dân liên quan đến những vướng mắc do quy định chiều dài tàu. Ông Hoàng khẳng định: Việc xây dựng quy định mới là phù hợp với quy định quốc tế, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động tại vùng khơi, đồng thời hạn chế việc đánh bắt, khai thác phương hại đến nguồn lợi thủy sản. Trên thực tế, các khảo sát cho thấy, tàu dài 15m trở lên khi khai thác vùng khơi gặp bão và sóng lớn có hệ số an toàn tốt hơn các tàu ngắn hơn 15m.

5.800 tàu cáĐó là tổng số tàu cá của BR-VT. Trong số này có hơn 2.900 chiếc hoạt động đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, nhiều tàu không đủ chiều dài 15m như quy định.

“Tuy nhiên, việc ngư dân thay đổi phương thức, tập quán và vùng đánh bắt truyền thống không thể tiến hành ngay được, do vậy, chúng tôi đã tổng hợp các ý kiến của ngư dân và báo cáo về Tổng cục Thủy sản để tham mưu lên Bộ NN-PTNT. Hiện nay, trên cơ sở kiến nghị,  Bộ NN-PTNT đã có văn bản cho phép ngư dân thực hiện cải hoán, thay đổi chiều dài, công suất tàu (trước đó không cho phép). Văn bản của Bộ NN-PTNT nêu rõ: Đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài dưới 15m thì ngư dân được phép đăng ký hoán cải tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi. Cơ quan chức năng tiến hành cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu đủ điều kiện theo quy định. Như vậy, văn bản của Bộ NN-PTNT đã tháo gỡ khó khăn, giúp chủ các tàu cá gặp vướng mắc trong đánh bắt do chiều dài tàu chưa phù hợp với quy định có phương án xử lý phù hợp, sửa chữa, cải hoán tàu để yên tâm vươn khơi”, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.