Bệnh khảm lá, sâu keo "tấn công" bắp, khoai mì

Chủ Nhật, 21/07/2019, 21:04 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, bệnh khảm lá trên cây khoai mì và sâu keo mùa thu gây hại cho cây bắp đã xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh khu vực Đông Nam Bộ. Tại BR-VT, các loại dịch hại này cũng đã xuất hiện và gây thiệt hại cho nông dân.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không trồng giống mì HLS-11 do chưa nằm trong danh mục cho phép và dễ nhiễm bệnh khảm lá. Trong ảnh: Nông dân xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thu hoạch khoai mì.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không trồng giống mì HLS-11 do chưa nằm trong danh mục cho phép và dễ nhiễm bệnh khảm lá. Trong ảnh: Nông dân xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thu hoạch khoai mì.

Ông Trần Thám (ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đang trồng 1ha bắp. Từ giữa tháng 6/2019, vườn bắp của ông bị sâu keo mùa thu “tấn công”. Ông Thám cho biết: “Sau nhiều năm trồng bắp, đây là lần đầu tiên tôi thấy loại sâu này. Nó ăn lá khiến cây bắp chậm phát triển, nhiều cây bị chết. Ngay sau khi phát hiện, tôi báo cho trạm bảo vệ thực vật (BVTV) của huyện. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo tôi phun, xịt một số loài thuốc và bước đầu cho hiệu quả. Lượng cây bị sâu phá hoại trong vườn giảm nhiều so với trước”. 

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, từ đầu tháng 6 đến nay đã có 12ha bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại. Sau khi thực hiện một số quy trình phòng trừ theo khuyến cáo của Cục BVTV, diện tích bắp bị ảnh hưởng giảm, còn khoảng 6ha tập trung tại một số xã như Đá Bạc, Láng Lớn.

Dịch sâu keo mùa thu là loại dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, đã gây thiệt hại lớn cho nông dân, nhất là tại các tỉnh miền Nam. Riêng BR-VT, từ giữa tháng 6 đến nay, đã có 15ha bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại. Cơ quan chức năng đã tiến hành hướng dẫn nông dân phun xịt các loại hóa chất được Cục BVTV cho phép sử dụng tạm thời để chống bệnh sâu keo mùa thu như Bacillus Thuringiensis, Sphinetoram… Tuy nhiên, do đây là loại bệnh mới, chưa có thuốc đặc trị nên Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh khuyến cáo, nông dân cần chủ động hơn trong việc phòng dịch. “Người trồng bắp nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt trong giai đoạn bắp có 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn bắp để diệt sâu non; thường xuyên làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu”, ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh gợi ý một số giải pháp.

Từ cuối năm 2018, dịch bệnh khảm lá đã tấn công, gây hại trên hơn 133ha khoai mì trên toàn tỉnh, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nông dân. Nhờ các biện pháp xử lý kịp thời, toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được xử lý, khống chế. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2019, loại dịch bệnh này tiếp tục xuất hiện và gây hại trở lại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30ha khoai mì nhiễm bệnh khảm lá tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.

Ông Đào Minh Toàn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Xuyên Mộc cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản và đề nghị chủ vườn nhổ bỏ, tiêu hủy 20ha theo quy trình hướng dẫn của Cục BVTV. Do đó, đến nay BR-VT chỉ còn 10ha khoai mì nhiễm bệnh khảm lá với mức độ gây hại rất nhẹ, từ 1-3%. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý sinh học, hóa học theo quy định.

Sâu keo mùa thu hại bắp.
Sâu keo mùa thu hại bắp.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, ngoài nhổ bỏ, tiêu hủy khi phát hiện khoai mì mắc bệnh, chi cục còn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tình hình buôn bán, sử dụng giống mì, không vận chuyển thân lá mì ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát việc vận chuyển thân lá mì trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn để nông dân trồng cũng như người buôn bán giống mì ở địa phương nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá mì và các biện pháp phòng chống; tuyên truyền cho nông dân biết và không trồng giống HL-S11 (đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và là giống chưa được công nhận), khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại mới, xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 4/2019. Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó cho công tác phòng, chống. Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu đã gây hại khoảng 15.000ha và dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây bắp trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời. 

Dịch khảm lá trên cây mì và sâu keo mùa thu gây hại bắp chỉ mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây vẫn là những loại dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Do đó, Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân không chủ quan, lơ là; đồng thời chủ động làm theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch để giảm thiểu thiệt hại. Riêng với loại dịch bệnh mới là sâu keo mùa thu, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang thực hiện các mô hình theo dõi tính kháng, chống chịu bệnh trên giống bắp biến đổi gen DK6919S, từ đó giúp nông dân tìm ra loại bắp ít mắc bệnh, năng suất cao để canh tác.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.