THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO DU LỊCH, NGHỈ DƯỠNG:

Dọn đường đón nhà đầu tư

Thứ Hai, 10/06/2019, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Với mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với DN trong quá trình thực hiện dự án để đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và quốc tế, thời gian qua tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút những nhà đầu tư thực sự có năng lực vào lĩnh vực du lịch.

Meliá Hồ Tràm Beach Resort vừa khai trương cuối tháng 4/2019 tiêu chuẩn 5 sao.
Meliã Hồ Tràm Beach Resort vừa khai trương cuối tháng 4/2019 tiêu chuẩn 5 sao.

SÔI ĐỘNG TUYẾN VEN BIỂN 

Sau hơn 4 năm thi công, cuối tháng 4/2019, Tập đoàn Tanzanite International đã khai trương khu nghỉ dưỡng biển Meliá Hồ Tràm Beach Resort (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). Khu nghỉ dưỡng có 152 phòng, 61 biệt thự và các dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao trên chiều dài 500m bờ biển. Hơn 1 tháng hoạt động, Meliá Hồ Tràm Beach Resort luôn kín khách nghỉ dưỡng ngày cuối tuần. Ông Nguyễn Nam Sơn, đồng sáng lập và quản lý Tập đoàn Tanzanite International cho biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước đến tìm hiểu, có nhu cầu sở hữu bất động sản, biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án.

Cũng nằm trên tuyến đường ven biển trong khu vực Hồ Tràm, từ khi khai trương (năm 2013) đến nay, Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm Strip không ngừng đầu tư bổ sung dịch vụ, sản phẩm xứng tầm resort 5 sao hiện đại, tiện ích. Ngoài khối khách sạn 541 phòng, casino, nhà hàng, trung tâm hội nghị, hồ bơi, qua từng năm Hồ Tràm Strip bổ sung thêm khu bowling, sân golf 18 lỗ, cửa hàng mua sắm, công viên nước, biểu diễn nhạc nước ngoài trời có ca sĩ kết hợp trình diễn thời trang, ảo thuật, xiếc vào tối thứ Bảy tuần cuối hàng tháng. “Chúng tôi đang khởi động giai đoạn 2 của dự án và đã hoàn thành khối khách sạn 559 phòng, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2019. Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh và các bộ, ngành Trung ương thúc đẩy thủ tục đầu tư sân bay lưỡng dụng tại huyện Đất Đỏ và điều chỉnh quy hoạch dự án cho phù hợp”, ông Michael Kelly, Chủ tịch điều hành Hồ Tràm Strip cho biết.

Theo Sở Du lịch, trong năm 2018, trên tuyến đường ven biển có thêm một số resort, khách sạn đưa vào khai thác kinh doanh như: Marina Bay Vung Tau, CAO (TP. Vũng Tàu); Lan Rừng resort Phước Hải, Oceanami Long Hai Villa Beach Club (Đất Đỏ); Saint Simeon (Long Điền)… xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn 4 - 5 sao định hướng thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại doanh thu cho DN, tăng ngân sách cho địa phương. Trong khâu quảng bá, marketing thương hiệu, những resort, khách sạn trên hướng vào các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… hứa hẹn thu hút thêm khách quốc tế về BR-VT. Bên cạnh đó, gần đây các tập đoàn bất động sản lớn như FLC, Novaland, Tuần Châu đang tìm hiểu đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven biển Bãi Trước đến Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu (345 ha), Khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), chợ Du lịch Vũng Tàu (3,7ha), Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa (gần 1.700ha)… 

ĐẤT SẠCH ĐÓN NHÀ ĐẦU TƯ

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, cùng với việc các quy hoạch vùng như: Điều chỉnh quy hoạch Bãi Sau, khu đô thị Long Hải mở rộng vừa được thông qua, các tuyến giao thông kết nối BR-VT cả về hàng không, đường bộ, đường biển được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng, cộng thêm tiềm lực phát triển công nghiệp và cảng biển còn rất lớn, BR-VT sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế và thu hút các sản phẩm du lịch mới để đầu tư các dự án du lịch chất lượng cao, thu hút dòng khách cao cấp. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để tạo quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư thực sự có năng lực. 

Toàn tỉnh hiện có 128 dự án du lịch với diện tích 2.704ha, vốn đăng ký 9,147 tỷ USD và 34.789 tỷ đồng. BR-VT tiếp tục thu hút nhà đầu tư cho 18 dự án du lịch gồm: khu đất của KDL Vũng Tàu Paradise (220ha), Trung tâm hội nghị triển lãm Cửa Lấp (60ha), KDL đường 10 - Chí Linh - Cửa Lấp (25ha), KDL nghỉ dưỡng phường 10 - Vũng Tàu (5ha), Vườn thú hoang dã Safari (519ha), KDL sinh thái Bàu Bàng (113ha), KDL sinh thái nghỉ dưỡng Phước Thuận (40ha), Khu biệt thự du lịch Hồ Tràm (2,3ha), KDL sinh thái Hồ Tràm (43,9ha), KDL giải trí và nghỉ dưỡng rừng sinh thái Lộc An (168ha), KDL nghỉ dưỡng Hải Sơn (2,43ha), KDL vui chơi giải trí và thể thao Minh Đạm (20,16ha), KDL Hải Sơn - Phước Hải (2,6ha), KDL biển An Hòa - Lộc An (6,11ha), Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nghỉ dưỡng biển Hải Hà - Long Hải (14,4ha), KDL Lâm viên Núi Dinh (2.400ha), KDL thác Hòa Bình - Châu Đức (224ha), Khu khách sạn-nhà hàng-trung tâm hội nghị Bàu Phước Thành - Bà Rịa (1,55ha).

Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT, đến hết quý I/2019, UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động của 51 dự án du lịch. Qua rà soát từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 30 dự án du lịch (trong đó có 28 dự án ven biển) chậm triển khai với diện tích gần 900ha. Sở KH-ĐT đã tổ chức đối thoại, làm việc với các chủ đầu tư có dự án chậm triển khai để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Quá trình làm việc, Sở KH-ĐT đã phân loại nguyên nhân chậm triển khai và kiến nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động 13 dự án với tổng diện tích 173ha.

“Với các dự án trong diện xem xét giãn tiến độ, nhà đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện, chứng minh được năng lực tài chính và phải ký quỹ. Sau thời gian gia hạn 24 tháng, nhà đầu tư nào không triển khai sẽ bị thu hồi dự án. Các khu đất sau thu hồi dự án sẽ được đưa vào danh mục thu hút đầu tư”, ông Lê Hoàng Hải cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
;
.