Thu gom rác bằng xe tự chế: Phải đến hồi kết

Thứ Ba, 21/05/2019, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Bài 1: “Khai tử” xe kéo rác nhếch nhác, vì sao?

Mỗi ngày trên địa bàn TP. Vũng Tàu phát sinh khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt, chiếm gần 50% lượng rác thải sinh hoạt toàn tỉnh. Mấy chục năm qua, việc thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư trên địa bàn thành phố diễn ra tự phát bằng phương tiện thô sơ, tự chế, gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.

Một xe tự chế chất đầy rác và bao, túi treo lủng lẳng trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu.. Ảnh: QUANG VŨ
Một xe tự chế chất đầy rác và bao, túi treo lủng lẳng trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu.. Ảnh: QUANG VŨ

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, LÀM XẤU ĐÔ THỊ

Khoảng 16 giờ 30 ngày 18-5, một chiếc xe thu gom rác trên đường Lê Lợi lưu thông hướng về ngã tư Bến Đình-Lê Lợi. Đây là chiếc xe máy cũ, kéo theo “rơ-moóc” là chiếc thùng tự chế bằng sắt đã gỉ sét. Trên thùng xe, rác chất cao gần 1m. Phía sau thùng, người thu gom treo đủ các loại bao bì. Khi rác đầy thùng, người thu gom leo lên dùng sức nhấn cho chặt để nhồi nhét thêm. Trên đường xe chở rác đi qua, người dân phải lấy tay bịt mũi, miệng vì không chịu nổi mùi hôi thối. 

Thực tế cho thấy, phương tiện thu gom rác hiện nay rất lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, chủ yếu là xe tự chế sơ sài, được kéo bằng xe máy, phía sau gắn thêm chiếc “rơ-moóc” tự chế - loại phương tiện vốn đã bị cấm lưu thông từ lâu. Nhiều xe chở quá khổ, bao đựng rác treo quanh xe và không được che chắn kín khiến nước rỉ, rác vụn rơi vãi xuống đường, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Không những vậy, ở một số khu dân cư, rác thải còn bị bỏ 2 - 3 ngày mới thu gom.

Xe rác tự chế đưa rác vào bãi trung chuyển tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu.
Xe rác tự chế đưa rác vào bãi trung chuyển tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu.
Chị Lê Thị H. (hẻm 105 Lê Lợi, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) cho biết, mỗi ngày gia đình chị thải ra 3-4kg rác thải sinh hoạt. Hàng tháng, người thu gom rác đến nhà thu phí 30 ngàn đồng. “Thỉnh thoảng nhà nào trong hẻm chặt cây hay dọn dẹp nhà cửa thải ra lượng rác lớn, chúng tôi phải trả thêm tiền, người thu gom rác mới chịu mang đi, nếu không sẽ bị ứ đọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh”, chị H. nói. 
Xe thu gom rác tự chế trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 8, TP. Vũng Tàu.
Xe thu gom rác tự chế trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 8, TP. Vũng Tàu.

TỰ PHÁT VÀ QUÁ ĐÔNG 

Thống kê của UBND TP. Vũng Tàu cho thấy, trên địa bàn thành phố có hơn 350 phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư theo hình thức tự phát. Lực lượng thu gom rác thải đa số là các cá nhân. Phí thu gom rác do những người này tự thỏa thuận với các hộ gia đình và khi họ yêu cầu tăng phí, người dân phải chấp nhận. Do hoạt động mang tính tự phát, nên thỉnh thoảng việc thu gom rác không thường xuyên, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác tại địa bàn dân cư.

Ngày 30-6 tới, UBND TP. Vũng Tàu sẽ đồng loạt triển khai việc chuyển đổi hoàn toàn phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt tự chế bằng phương tiện chuyên dụng, đồng thời, tổ chức lại việc thu gom rác trong khu dân cư. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động “Xây dựng TP. Vũng Tàu là thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp” đã được HĐND tỉnh thông qua. Để việc chuyển đổi phương tiện và tổ chức thu gom rác được thực hiện một cách bài bản, đạt hiệu quả, thành phố đã xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ chuyển đổi phương tiện cả về tài chính, nhân sự, lẫn cơ sở vật chất; xây dựng các giải pháp và lộ trình chuyển đổi... Ngoài ra, thành phố cũng tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành để rác đúng nơi quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người thu gom rác khi chuyển đổi phương tiện.
(Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu)
Theo Phòng Quản lý Đô thị TP. Vũng Tàu, trước đây, rác thải sinh hoạt do lực lượng thu gom rác dân lập và Công ty Công trình Đô thị TP. Vũng Tàu (nay là Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu) thu gom. Từ năm 2003, thành phố có chủ trương xã hội hóa hoạt động thu gom rác; khuyến khích thành lập HTX thu gom rác. Tuy nhiên, việc thành lập HTX thu gom rác không hiệu quả nên hiện nay vẫn còn phần lớn hộ thu gom rác dân lập. Việc quản lý lực lượng thu gom rác dân lập do các phường, xã chịu trách nhiệm. Nhưng do thiếu nguồn nhân lực, cán bộ không chuyên trách không ổn định khiến việc quản lý bị gián đoạn, buông lỏng. Hoạt động thu gom rác dần thuộc quyền kiểm soát của một số người theo kiểu “cai thầu” dẫn đến tình trạng tranh giành địa bàn, lấy rác không theo giờ giấc, tự ý nâng giá dịch vụ... 
Theo thống kê của Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu, trên địa bàn thành phố có 350 xe ba bánh thu gom, vận chuyển rác tự phát. Hiện nay, rác sinh hoạt tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố do lực lượng dân lập thu gom, vận chuyển về trạm trung chuyển rác, sau đó Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu vận chuyển, xử lý tại bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).

Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường 4 cho biết, toàn phường có hơn 4.700 hộ dân, trong đó khoảng 98% hộ đã đăng ký đổ rác với mức phí thu gom từ 30.000-45.000 đồng/hộ/tháng. Trên địa bàn phường hiện có 20 hộ làm công việc thu gom rác trong các khu dân cư. “Lâu nay, phường vẫn chưa quản lý được sâu sát hoạt động thu gom rác của những người này. Khi xảy ra khiếu kiện gì của dân, phường mới mời người thu gom rác lên để nhắc nhở, chấn chỉnh”, ông Nam thừa nhận.

Bài, ảnh: QUANG VŨ - QUANG VINH
(Còn nữa)

--------------

Bài 2: Long Sơn làm được thì phường nào cũng có thể!

Bài 3: Hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện chuyên dụng

;
.