DN "gồng mình" trước sức ép của giá xăng, giá điện

Thứ Hai, 06/05/2019, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã tạo áp lực lên các chi phí sản xuất, vận tải các DN. Cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết; cân đối các nguồn thu… là cách DN kinh doanh vận tải đang “gồng mình” ứng phó với giá xăng dầu, điện leo thang.

Xe khách đường dài chờ khách tại bến xe Vũng Tàu.
Xe khách đường dài chờ khách tại bến xe Vũng Tàu.

DN chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 3.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 19%. Hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít. Trong khi đó, giá gas đã tăng 4 lần với tổng mức tăng là 40 ngàn đồng/bình 12kg. Hiện giá gas bán lẻ trên thị trường vào khoảng 356 ngàn đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ điện bình quân cũng vừa được chính thức điều chỉnh tăng lên 1.864 đồng/kWh, tăng thêm khoảng 8,36% so với giá cũ. Cùng với xăng dầu, gas thì giá điện được điều chỉnh tăng đã khiến cho chi phí sản xuất của DN tăng cao từ 15-20%.

DN VẬN TẢI “NÍN THỞ” VÌ GIÁ XĂNG DẦU

Với việc xăng dầu tăng giá, các DN vận tải là đối tượng đầu tiên hứng chịu sức ép. Vì xăng dầu là yếu tố hàng đầu cấu thành nên giá cả vận tải. Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Toàn Thắng cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 30-35% tổng chi phí cho mỗi chuyến vận chuyển hành khách. Từ đầu tháng 4 đến nay, xăng dầu liên tục tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của DN, kinh doanh không có lãi. Tuy nhiên, hiện DN vẫn đang giữ mức giá cũ từ TP. Vũng Tàu đi TP. Hồ Chí Minh (cả hai chiều) từ 95 ngàn - 100 ngàn đồng/lượt. “Chúng tôi đang nghe ngóng từ các DN khác. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, việc điều chỉnh giá cước phải được tính toán kỹ càng, bởi nếu điều chỉnh giá cước sớm hơn so với các DN khác, có thể khiến DN mất ngay lợi thế cạnh tranh”, ông Khanh nói.

Còn đại diện Công ty TNHH Hai Trâm (huyện Xuyên Mộc) cho biết: Chi phí nhiên liệu cho một chuyến vận chuyển hành khách chiếm gần 30%. Nếu tính theo giá dầu đầu tháng 3 là 17.210 đồng/lít cho chuyến vận chuyển khách từ Bình Châu đi TP. Hồ Chí Minh (170km), tổng chi phí hết khoảng 590 ngàn đồng cho 34,3 lít dầu. Còn với giá dầu hiện nay là 17.690 đồng/lít, thì chi phí là 607 ngàn đồng. Đó là chưa kể các khoản phí ra vào bến xe, phí bảo hiểm, phí cầu đường, trả lương cho tài xế, phụ xe… “Nếu tăng giá cước, hành khách sẽ kêu đắt đỏ và chọn loại phương tiện khác nên thời điểm hiện tại vẫn chưa thể tăng giá vận chuyển”, đại diện DN này cho biết.

NHIỀU DN “ÁP LỰC CHỒNG ÁP LỰC”

Đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, giá điện luôn là mối quan tâm hàng đầu. Thời gian vừa qua, với diễn biến mới của giá bán điện, nhiều DN đã bắt đầu cảm thấy áp lực. Ông Phạm Văn Mạnh, Trưởng phòng kỹ thuật điện của Công ty CP xi măng Cẩm Phả (KCN Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) cho biết: Hiện nay, sản lượng xi măng bán ra thị trường của công ty khoảng 1.600 tấn xi măng/năm. Trong tổng chi phí sản xuất, thì điện năng chiếm tỷ lệ khá lớn. Ngay từ khi đi vào hoạt động, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất tiết kiệm điện nên mức tiêu thụ điện năng cho sản xuất 1 tấn khoảng 30kWh. Sau khi giá điện tăng thêm 8,36%, chi phí sản xuất tăng tương ứng. Ông Mạnh cho biết thêm, do nguyên liệu sản xuất xi măng phải vận chuyển theo đường thủy từ phía Bắc vào nên khi xăng tăng giá, phía đơn vị vận chuyển đường thủy cũng tăng giá vận chuyển.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá điện và xăng tăng cùng lúc khiến cho hoạt động sản xuất của DN lĩnh vực thép gặp vô vàn khó khăn. Cụ thể, đợt tăng giá điện vừa qua buộc nhiều DN phải tăng giá bán thêm hơn 100.000 đồng/tấn cho các sản phẩm thép. Cộng thêm mức tăng của giá xăng, một số DN đã chuẩn bị các phương án để hạn chế lỗ, bảo đảm hoạt động ổn định. Tuy nhiên, nếu giá nhiên liệu, giá điện tiếp tục biến động theo hướng tăng trong thời gian tới, chắc chắn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều DN sẽ bị đảo lộn.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.