AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM:

Kiểm tra là phát hiện vi phạm

Thứ Hai, 20/05/2019, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

 

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 do Sở Y tế chủ trì, lập biên bản xử lý hộ kinh doanh Đức Huy (Trung tâm mua sắm An Việt) ở xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. Ảnh: TƯỜNG NGÂN
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 do Sở Y tế chủ trì, lập biên bản xử lý hộ kinh doanh Đức Huy (Trung tâm mua sắm An Việt) ở xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. Ảnh: TƯỜNG NGÂN

Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP)” năm 2019  với chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, từ ngày 8 đến ngày 14-5, 3 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh do Sở Công thương, Sở Y tế và Sở NN-PTNT chủ trì đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 7 huyện, thành phố, thị xã. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. 

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 3 của tỉnh do Sở Công thương chủ trì, kiểm tra  cơ sở sản xuất nước đóng bình Hải Yến (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Ảnh: VÂN ANH
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 3 của tỉnh do Sở Công thương chủ trì, kiểm tra cơ sở sản xuất nước đóng bình Hải Yến (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Ảnh: VÂN ANH

BÁN HÀNG QUÁ ĐÁT, KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

Ngày 8-5, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 3 của tỉnh do Sở Công thương chủ trì đã kiểm tra tại hộ kinh doanh bánh kem, bánh ngọt các loại Hoàng Gia (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận, khu sản xuất bánh của cơ sở này sắp xếp lộn xộn, một số nguyên liệu làm bánh đã hết hạn sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, nhãn phụ. Ngoài ra, cơ sở này chưa lưu mẫu sản phẩm theo quy định. 

Tiếp đó, ngày 9-5, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 đã kiểm tra tại hộ kinh doanh Đức Huy (Trung tâm mua sắm An Việt) ở xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này để lẫn thực phẩm sống (cá khô, cá viên chiên, xúc xích) với thực phẩm ăn liền (kem, đá viên, sữa chua) trong tủ cấp đông. Tiếp tục kiểm tra tại các kệ hàng hóa, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng vẫn được bày bán như: 4 thùng Sữa Nutifood Grow plus loại 110 ml (hết hạn từ ngày 22-4-2019), 8 gói kẹo đậu phộng Hồng Phúc (hết hạn từ ngày 2-1-2019), 1 gói xúc xích CP (hết hạn 6-3-2019), 1 gói xúc xích hải sản Minh Đạt (hết hạn ngày 26-3-2019). Ngoài ra, có 4 gói bột ngũ cốc Nutrilifes (loại 25g) không có ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm... Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đồng thời yêu cầu cơ sở lập tức tiêu hủy toàn bộ số hàng nêu trên. 

Ông Tiêu Văn Linh, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh ATTP tỉnh cho biết, đối với những lỗi vi phạm nhẹ, đoàn kiểm tra liên ngành nhắc nhở và yêu cầu địa phương giám sát cơ sở khắc phục các hạn chế. Với những lỗi vi phạm như trường hợp hộ kinh doanh Đức Huy, số lượng sản phẩm vi phạm quá nhiều nên đoàn đã yêu cầu cơ sở tiêu hủy ngay lập tức. Đồng thời, đoàn lập biên bản gửi về Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP huyện Châu Đức để tiếp tục làm việc với cơ sở, báo cáo kết quả xử lý về Đoàn số 1 và Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh. 

Bên cạnh các đoàn kiểm tra cấp tỉnh, các địa phương cũng thành lập các đoàn liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Chẳng hạn, tại TP. Vũng Tàu, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, địa phương đã tổ chức kiểm tra 779 cơ sở, 5 chợ truyền thống. Qua đó, phát hiện 127 cơ sở vi phạm (lập biên bản xử phạt hành chính 4 cơ sở với số tiền hơn 44 triệu đồng, tiêu hủy 3 kg thịt heo nhiễm khuẩn… Còn tại TX. Phú Mỹ, ông Nguyễn Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ATTP thị xã cho biết, qua kiểm tra, địa phương phát hiện 71 cơ sở vi phạm, chủ yếu là các lỗi liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng và bảo quản sản phẩm không đúng quy định của nhà sản xuất; không lập sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm, không khám sức khỏe cho chủ cơ sở và nhân viên, vệ sinh cơ sở, trang thiết bị chưa bảo đảm ATTP…

Nhân viên của hộ kinh doanh Đức Huy (Trung tâm mua sắm An Việt) ở xã Sơn Bình,  huyện Châu Đức tiêu hủy sữa tươi đã hết hạn sử dụng theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Ảnh: TƯỜNG NGÂN
Nhân viên của hộ kinh doanh Đức Huy (Trung tâm mua sắm An Việt) ở xã Sơn Bình, huyện Châu Đức tiêu hủy sữa tươi đã hết hạn sử dụng theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Ảnh: TƯỜNG NGÂN

GIẢI PHÁP NÀO?

Khó khăn chung của các địa phương trong công tác quản lý ATTP là nguồn nhân lực không bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, công tác thanh tra chuyên ngành ATTP được thực hiện chủ yếu tại các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương. Tuy nhiên, lực lượng này rất “mỏng”, mỗi năm chỉ tiến hành thanh tra 1 lần, vì thế việc ngăn chặn thực phẩm bẩn và những vi phạm ATTP còn nhiều khó khăn. Ở cấp huyện, nhân sự đảm nhiệm công tác quản lý ATTP phần lớn là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Mặt khác, điều kiện, trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu.

Ngoài ra, hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm, nhất là ở tuyến xã chủ yếu là nhắc nhở nên chưa có tính răn đe. Bên cạnh đó, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi không thể truy xuất được do đa số cơ sở chưa có hệ thống truy suất, không ghi chép đầy đủ nguyên liệu đầu vào, không ghi nhật ký sản xuất. 

Về giải pháp để nâng cao hiệu quả trong quản lý ATTP, nhìn từ phía địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho rằng: Trong điều kiện nhân lực và trang thiết bị còn thiếu thốn như hiện nay, việc duy trì và mở rộng hoạt động của điểm kiểm nghiệm nhanh ATTP tại các chợ là rất cần thiết. Chợ là đầu mối tập trung về thực phẩm. Cho nên việc quản lý thuận lợi hơn, thường xuyên hơn và cũng đòi hỏi ít hơn về nhân lực.

Riêng về việc tăng cường trang thiết bị cho việc kiểm nghiệm ATTP, bà Đào Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh ATTP tỉnh khẳng định đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả, năng lực của lực lượng chức năng trong công tác quản lý ATTP tại các địa phương. “Hàng năm, Chi cục đều quan tâm đến việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra ATTP. Riêng trong năm 2019, Chi cục đã đấu thầu mua sắm các dụng cụ test một số chỉ tiêu như: hàn  the, focmol, salicylic (chất tẩy trắng trong thực phẩm), thuốc trừ sâu… để giao về cho các địa phương”, bà Hà nói. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, 3 ngành Y tế, Công thương, NN-PTNT đang quản lý gần 45 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản (cụ thể: Sở Y tế quản lý 9.402 cơ sở, Sở Công thương quản lý 300 cơ sở và Sở NN-PTNT quản lý 35.585 cơ sở). Trong quý I-2019, ngành Y tế đã kiểm tra 2.550 cơ sở, phát hiện 277 cơ sở vi phạm quy định về ATTP (trong đó 7 cơ sở không đạt chuẩn bị xử lý với số tiền nộp phạt là 58 triệu đồng). Ngành NN-PTNT xử lý 7 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 162 triệu đồng. Tính đến đầu tháng 5, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 38 ca mắc. 


Trong khi đó, xuất phát từ thực tế kiểm tra ATTP tại một số địa phương, ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương nhận định: Chúng tôi nhận thấy một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện kiểm tra ATTP. Mặc dù các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể nhưng công tác kiểm tra chưa sâu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn cán bộ, nhân viên làm công tác ATTP ở các địa phương về quy trình kiểm tra ATTP, phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người tiêu dùng và những người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục tăng cường kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng, bảo quản thực phẩm tại các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh do ngành quản lý.

Bài, ảnh: NHÓM PV

;
.