Mạnh tay xử lý container tồn đọng

Thứ Hai, 15/04/2019, 16:23 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ xem xét 2 phương án xử lý hàng ngàn container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển. Theo ngành hải quan, phương án trên được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng các container “vô chủ” lâu nay gây ảnh hưởng tới môi trường cũng như việc kinh doanh của các DN cảng biển.

Hiện tại, các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải còn gần 2.300 container phế liệu tồn kho quá 90 ngày.
Hiện tại, các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải còn gần 2.300 container phế liệu tồn kho quá 90 ngày.

 HÀNG NGÀN CONTAINER VÔ CHỦ

Cuối tháng 3-2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan tỉnh) đăng thông báo tìm chủ sở hữu của gần 500 container giấy phế liệu tồn quá thời hạn 90 ngày tại các cảng trên địa bàn. Theo danh sách đính kèm thông báo, số container này được nhập về trong khoảng thời gian từ ngày 11-12-2018, hầu hết là giấy phế liệu và có nơi gửi chủ yếu từ Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Canada… Đơn vị nhận là các DN sản xuất giấy ở Bình Dương gồm: Công ty TNHH Giấy Vina Kraft, Công ty CP Giấy An Bình, Công ty TNHH Cheng Yang Paper Mill. Các DN này đều đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập phế liệu từ Bộ TN-MT, thời hạn đến năm 2020. Tuy nhiên đến nay, các DN trên vẫn chưa tới nhận hàng. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cho biết, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không có người đến nhận, đơn vị sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Hải quan tỉnh, tính đến hết tháng 3-2019 tại khu vực Cái Mép - Thị Vải có gần 2.300 container phế liệu tồn quá 90 ngày. Các container tồn đọng chủ yếu là hàng phế liệu (sắt thép, nhựa, giấy). Thời gian qua, cơ quan hải quan và DN kinh doanh cảng đã ra thông báo tìm chủ hàng nhưng DN vẫn không chịu đến nhận. 

Theo các DN cảng, việc truy tìm chủ sở hữu các container phế liệu tồn đọng ở cảng rất khó khăn, vì nhiều DN nhập khẩu khai giả tên, địa chỉ khi nhập hàng. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2018, lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng lên đến gần 10 ngàn container do Bộ TN-MT quy định các lô hàng phế liệu nhập khẩu trong khi chờ kết quả kiểm tra về chất lượng phải được lưu giữ tại cửa khẩu nhập, không được đưa hàng về bảo quản. Quy định này khiến thời gian nằm chờ của một lô hàng phế liệu nhập về cảng phải đến lúc được thông quan phải mất cả tháng. Thời gian container bị lưu lại cảng quá lâu khiến chi phí lưu bãi tốn từ 1-1,2 triệu đồng container/ngày là số tiền quá lớn nên DN không đến nhận hàng.

Hiện tại, các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải còn gần 2.300 container phế liệu tồn kho quá 90 ngày.
Công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cái Mép kiểm tra hàng container phế liệu tại cảng TCIT.

XỬ LÝ THẾ NÀO?

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho bộ này thành lập Tổ công tác liên ngành gồm: Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng, đứng đầu là Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và thành viên là đại diện đơn vị liên quan, đồng thời đưa ra 2 phương án xử lý. Cụ thể, phương án 1: Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Phương án 2: Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. DN trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tuy nhiên, phương án này có thể tốn chi phí lớn, không khuyến khích DN tham gia đấu giá. Do đó, Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: So với thời điểm cuối năm 2018, số container tồn đọng đã giải phóng hơn 90%. Hiện tại, số container tồn đọng hầu hết là vô chủ. Do đó, đối với các lô hàng tồn quá 90 ngày không có DN đến nhận hàng, Cục Hải quan tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan và chờ hướng xử lý chung từ Chính phủ và Bộ Tài chính.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), để hạn chế tình trạng nhập phế liệu như hiện nay, các cơ quan như: Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường cần kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh và tiến tới cấm một số mã hàng như: phế liệu nhựa, giấy không phân loại. Đây là 2 nhóm hàng có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đồng thời, một số phế liệu trong nước đang dư thừa, nên khuyến cáo DN tái chế sử dụng như: Xỉ cát, thạch cao ở các nhà máy nhiệt điện than. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm minh những DN vi phạm.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.