Bài 4: Đi tìm giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản

Thứ Tư, 03/04/2019, 17:20 [GMT+7]
In bài này
.

Cảnh báo về “thẻ vàng” của EU, trong khi nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt đòi hỏi ngành thủy sản phải tập trung cải tổ nghề cá, hướng đến khai thác bền vững và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Ngư dân và cơ quan chức năng thả giống thủy sản tại chân cầu Cỏ May, phường 12, TP. Vũng Tàu.
Ngư dân và cơ quan chức năng thả giống thủy sản tại chân cầu Cỏ May, phường 12, TP. Vũng Tàu.

Theo Chi cục Thủy sản, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước với hơn 6.000 chiếc, trong đó hơn 50% đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV. Những năm gần đây, trữ lượng thủy sản tại các ngư trường chính của tỉnh đang suy giảm nghiêm trọng. Đồng thời, một số loài cá có giá trị kinh tế cao và đánh bắt được nhiều trước đây ngày càng cạn kiệt. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác khá lớn, chiếm khoảng 30-40%. 

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường trong nước suy giảm là việc đánh bắt tận diệt. Cụ thể, các loại tàu có mắt lưới nhỏ, đánh bắt gần bờ như lưới kéo còn nhiều. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.600 tàu lưới kéo. Ngoài ra, ngư dân đánh bắt vào mùa di cư sinh sản của cá khiến các loài này không thể phục hồi”. 

Ngư dân thả giống thủy sản ra tự nhiên tại bãi biển Phước Hải, huyện Đất Đỏ.
Ngư dân thả giống thủy sản ra tự nhiên tại bãi biển Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Trước thực trạng này, tháng 9-2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi nghề lưới kéo (một trong những hình thức đánh bắt tận diệt). Theo lộ trình, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại các đội tàu theo hướng giảm dần tàu lưới kéo, chuyển sang các hình thức khai thác thân thiện với môi trường như câu khơi, lưới vây, chụp mực… và giảm dần các tàu công suất nhỏ, tàu gỗ, thay thế bằng những tàu có công suất lớn đóng bằng vật liệu mới như tàu vỏ thép, composite để đánh bắt xa bờ; tổ chức lại việc thu mua, bảo quản sản phẩm, tạo cầu nối giữa ngư dân và DN; xây dựng và nâng cấp các cảng cá theo hướng hiện đại. Theo đó, số tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 300 chiếc.  

Bên cạnh đó, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh sau 5 năm có hiệu lực đã góp phần tích cực vào việc khuyến khích ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh BR-VT cho biết: Đến cuối tháng 2-2019, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 69 chủ tàu (9 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, 59 tàu khai thác hải sản xa bờ và 1 tàu nâng cấp) với tổng số tiền cam kết cho vay là 1.033 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 1.017 tỷ đồng, dư nợ 935 tỷ đồng. 

Ban Quản lý cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ) hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký đánh bắt, sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến biển.
Ban Quản lý cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ) hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký đánh bắt, sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến biển.

Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác, nghiệp đoàn, hợp tác xã đánh bắt, sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 341 tổ đoàn kết với 2.137 thành viên nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh và bảo vệ lợi ích chính đáng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.

Ông Lê Tòng Văn cho biết thêm, để tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mỗi năm BR-VT thả hơn 1 triệu con giống về biển như cá chẽm, tôm sú, cá chim… Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác hoạt động kiểm ngư trên các vùng biển ngoài khơi. Việc quy định đánh bắt theo mùa đối với từng loại hải sản cũng đã được triển khai thực hiện để tránh đánh bắt vào mùa di cư sinh sản của chúng. Chẳng hạn, vùng biển Côn Đảo đã cấm đánh bắt cá thu vào các tháng 3, 4, 5 trong năm.

ÔNG NGUYỄN XUÂN THI, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN PHÍA NAM:

BR-VT cần tiên phong chuyển đổi nghề lưới kéo

Theo tôi, BR-VT cần trở thành địa phương tiên phong cả nước thực hiện xong việc chuyển đổi nghề lưới kéo, không chỉ vì có đội tàu lưới kéo nhiều nhất nước mà tỉnh có đầy đủ các điều kiện về nguồn lực kinh tế, nhân lực để thực hiện việc này. Ngoài việc nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề đánh bắt để tránh tận diệt, việc phục hồi nguồn lợi thủy sản cũng hết sức cần thiết. Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có các biện pháp như xây dựng các dự án nghiên cứu các loại giống thủy sản phù hợp thả ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi; có biện pháp bảo vệ vùng biển có bãi ươm, bãi đẻ tự nhiên; quan tâm đến vấn đề xả thải ra môi trường nước, nhất là các vùng cửa sông, cửa biển… 

-----------------------

ÔNG TRẦN VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT: 

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thủy sản  

Để bảo đảm tính ổn định, bền vững cho chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Sắp xếp, củng cố, nâng cấp các cảng cá trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và thẩm định, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu, đảm bảo an toàn thực phẩm của nguyên liệu theo quy định của châu Âu; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân theo quy định của Chính phủ, vận động ngư dân chuyển đổi nghề lưới kéo và khai thác thủy sản ven bờ; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng Khu quy hoạch sản xuất giống tập trung tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được giao đất; tập trung di dời các cơ sở chế biến nằm tại các khu dân cư, đô thị vào 2 khu chế biến tập trung tại huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc, tiếp tục triển khai khu chế biến An Ngãi, huyện Long Điền. Tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh việc triển khai đầu tư để sớm hình thành trung tâm nghề cá tại đảo Gò Găng, xã Long Sơn và hình thành chợ đầu mối hải sản tại cảng Cát Lở, TP. Vũng Tàu theo dự án hỗ trợ của Chính phủ Pháp.

-----------------------

ÔNG PHẠM CÔNG ĐỨC, TRƯỞNG PHÒNG NN-PTNT HUYỆN LONG ĐIỀN:

Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề 

Việc chuyển đổi ngành nghề đánh bắt lưới kéo sang các hình thức khác có tính chọn lọc là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm tính ổn định, bền vững cho chiến lược phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngành nghề của ngư dân đang gặp khó khăn, nhất là trong khâu vay vốn. Vì vậy, tỉnh cần vận dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, xây dựng chính sách riêng phù hợp với địa phương để việc chuyển đổi theo đúng lộ trình đã đặt ra là đến tháng 6-2020. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chuyên gia cần tiếp tục giới thiệu đến ngư dân các hình thức đánh bắt phù hợp với đặc điểm từng đội tàu cá trong tỉnh để bà con nắm rõ, làm quen được kỹ thuật đánh bắt mới sau khi chuyển đổi từ nghề lưới kéo; mở các lớp đào tạo lao động nghề biển chuyên nghiệp và phù hợp với các hình thức đánh bắt mới được chuyển đổi.

NHÓM PV KINH TẾ

-----------------

Bài 1: Mỗi chuyến biển là một lần hồi hộp

Bài 2: Thiếu bạn ghe đi biển

;
.