Bài 2: Thiếu bạn ghe đi biển

Thứ Hai, 01/04/2019, 16:39 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi tàu đánh bắt xa bờ cần 10-15 lao động, nhưng lao động đi biển ngày càng hiếm. Trong khi đó, tàu cá không thể nằm bờ nên chủ tàu buộc phải tuyển lao động chưa biết nghề biển, vừa làm vừa đào tạo. Tuy nhiên, tình trạng này kéo theo nhiều rủi ro trong những chuyến ra khơi.

 
Đa số chủ tàu phải ứng tiền lương trước cho bạn ghe. Trong ảnh: Lao động làm việc tại cảng cá Phước Tỉnh. Ảnh: QUANG VINH
Đa số chủ tàu phải ứng tiền lương trước cho bạn ghe. Trong ảnh: Lao động làm việc tại cảng cá Phước Tỉnh. Ảnh: QUANG VINH
Tàu cá nằm bờ tại cảng cá Bình Châu.
Tàu cá nằm bờ tại cảng cá Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

“ĐỎ MẮT” TÌM BẠN GHE 

Theo các chủ tàu, vì thiếu lao động nên nhiều chủ tàu phải thuê thuyền viên từ địa phương khác. Để tuyển được lao động, chủ tàu thường phải ứng trước tiền cho bạn ghe. Vậy nhưng đến ngày đi biển, không ít bạn ghe lại tìm lý do để không lên tàu, thậm chí bỏ trốn đi nơi khác, khiến chủ tàu vừa mất tiền ứng, vừa phải mượn lao động từ ghe khác, kéo theo chi phí đi biển tăng cao.

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào đầu tháng 4-2019, đôi tàu giã cào công suất 480CV của ông Huỳnh Văn Đảo (ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cần 8-10 lao động. Mấy ngày qua, ông chạy đôn chạy đáo, gọi cả những mối quen nhưng bị từ chối. Hơn nửa số lao động đồng ý đều đòi ứng trước tiền từ 8-10 triệu đồng/người. “Việc ứng tiền cho bạn ghe rủi ro lắm. Tôi đã từng bị tình trạng người lao động ứng tiền xong là tắt điện thoại, không liên lạc được do họ ở miền Tây lên, thuê trọ nay chỗ này, mai chỗ kia. Vậy là chủ tàu mất luôn cả tiền ứng, chuyến biển đó coi như lỗ”, ông Đảo cho hay. 

Với tàu vỏ gỗ, tình hình còn khó khăn hơn khi mỗi chuyến biển cần tới 12-15 lao động biết hành nghề lưới rê. Những năm gần đây, các chủ tàu rất khó tìm được lao động đi biển tại địa phương. Họ phải thuê lao động từ các tỉnh ngoài, thậm chí nhờ người thân ở miền Trung, miền Bắc kiếm giúp. Do thiếu bạn ghe, nhiều chủ tàu chấp nhận tuyển cả lao động chưa từng đi biển, kéo theo nhiều rủi ro trong mỗi chuyến vươn khơi như tai nạn, năng suất đánh bắt thấp… Ông Huỳnh Văn Ba (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh), chủ tàu lưới rê công suất 825CV cho biết: “Những năm trước, công lao động chỉ khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, nay tăng lên 10-12 triệu đồng/người/tháng mà còn không có lao động để thuê. Có chuyến, ghe phải ra khơi không đủ người, dẫn đến sản lượng đánh bắt thấp”.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, kiếm được bạn ghe đã khó, giữ chân bạn ghe còn khó hơn. Theo các chủ tàu, khi tìm được bạn ghe, chủ phải ứng tiền để giữ chân họ. Với những bạn ghe thân thiết, gắn bó lâu năm, mức tiền ứng cho họ càng cao. Vậy nhưng, tình trạng bạn ghe nhận tiền ứng rồi bỏ ngang ngay trước ngày khởi hành vẫn xảy ra, chủ ghe lại phải tốn công, tốn chi phí để tìm bạn ghe mới.

Do thiếu bạn ghe, nên nhiều tàu phải nằm bờ, chờ kiếm đủ lao động mới vươn khơi. Trong ảnh: Tàu cá cập cảng Phước Tỉnh, huyện Long Điền chờ kiếm bạn ghe.
Do thiếu bạn ghe, nhiều tàu phải nằm bờ, chờ kiếm đủ lao động mới vươn khơi. Trong ảnh: Tàu cá cập cảng Phước Tỉnh, huyện Long Điền chờ kiếm bạn ghe.

CẦN ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG NGHỀ BIỂN

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá thiếu bạn ghe là do nghề biển đối diện nhiều rủi ro như thiên tai, nguy cơ tai nạn khi hành nghề cao, công việc cực nhọc... Nhiều bạn ghe sau thời gian đi biển đã bỏ nghề lên bờ làm công nhân hoặc các nghề khác ít rủi ro hơn. Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh cũng cho thấy, trong số 33.000 lao động phục vụ cho việc đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 10% là người địa phương, còn lại đến từ các tỉnh khác. Do là lao động thời vụ, không có sự ràng buộc nên các lao động ở lĩnh vực này thiếu sự gắn bó với chủ tàu và hay bỏ việc, nhảy việc khi được chủ tàu khác trả lương cao hơn.

Một mối băn khoăn khác của nhiều ngư dân là làm sao xử lý những sự cố về tàu thuyền, máy móc khi đang hoạt động trên biển. Ông Nguyễn Hồng Vinh, chủ đôi tàu công suất 900CV tại phường 5, TP. Vũng Tàu cho hay, lâu nay người đi trước chỉ người đi sau, làm riết rồi thạo việc, chứ không có nơi nào dạy nghề làm ngư dân đánh cá. Những trục trặc nhỏ về máy móc, điện trên tàu, anh em thuyền viên chủ yếu khắc phục theo kinh nghiệm nhưng nếu không may gặp trường hợp máy hư hỏng nặng, phức tạp… thì đành bó tay! 

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, lực lượng lao động có bằng cấp trong khai thác hải sản hiện nay thiếu trầm trọng ở nhiều tỉnh ven biển có nghề cá phát triển. Xu hướng tàu khai thác ngày càng lớn, trang bị hiện đại, nhất là tàu vỏ thép và vật liệu mới ngày càng cần lao động được đào tạo bài bản để vận hành, điều khiển hiệu quả. Trong khi đó, trên thực tế đa số lao động nghề biển hiện nay làm theo kinh nghiệm, hoặc vừa làm vừa học nên chất lượng, hiệu quả đánh bắt thấp.

Theo quy hoạch của ngành thủy sản, trong năm 2019, tỉnh sẽ giảm số lượng tàu lưới kéo từ 1.900 phương tiện xuống còn 850 phương tiện, kéo theo nguồn nhân lực cho đội tàu này cũng giảm phân nửa, từ gần 16.000 xuống còn 8.000 lao động. Số lao động này sẽ được tỉnh tạo điều kiện cho học nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã thống kê lại nhu cầu của lao động để phối hợp cùng với các ngành chức năng, các trường, trung tâm sắp xếp tổ chức lớp học phù hợp cho từng đối tượng nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nghề biển.

Thông tin từ UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, toàn xã có gần 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ với hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, 80-90% là lao động đến từ các tỉnh khác, trình độ thấp, thiếu kiến thức và kỹ năng đi biển do trước đó làm nghề nông hoặc lao động phổ thông. Một thực trạng đáng ngại hiện nay là công cụ đánh bắt ngày càng được cải tiến, song bạn ghe lại không được đào tạo kịp thời nên tay nghề, kỹ năng và kiến thức hạn chế, dẫn đến các vụ tai nạn trên biển như: rơi xuống biển, bất cẩn trong lao động, không biết bơi…

Tỉnh BR-VT có hơn 6.000 phương tiện đánh bắt, trong đó hơn 3.000 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên khai thác hải sản xa bờ. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, đặc thù của nghề đánh bắt hải sản là lao động chân tay nặng nhọc nên độ tuổi thuyền viên đa phần là trẻ, thường chỉ từ 18 đến 40. Đa số thuyền viên đều không có chứng chỉ, không được trang bị kỹ năng và kiến thức đi biển, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Thậm chí, một số người còn không biết chữ. 

Thiếu lao động đi biển là thực trạng chung do tốc độ tăng trưởng tàu thuyền quá nhanh, trong khi nghề biển lại bấp bênh. Thời gian gần đây, ngư trường cạn kiệt nên việc chia tiền cho bạn ghe thấp. Do vậy, họ không còn mặn mà với nghề biển. Về lâu dài, giải pháp cho vấn đề này vẫn là tổ chức quy hoạch lại tàu thuyền, quy định số tàu đóng mới mỗi năm, vận động một số tàu giã cào chuyển đổi công năng cũng như tạo điều kiện để lao động nghề biển có thu nhập cao hơn. 
(Ông Huỳnh Văn Ba, ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh,
huyện Long Điền)

Để nâng cao chất lượng lao động nghề biển, từ năm 2008 tới nay, BR-VT đã triển khai chương trình đào tạo cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Hàng năm, có khoảng 300 lao động được đào tạo. Theo UBND xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), hàng năm ngoài tuyên truyền kiến thức liên quan đến việc đánh bắt thủy sản, địa phương còn phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức các lớp lao động nghề biển. Năm 2018, địa phương đã tổ chức các lớp thuyền trưởng, máy trưởng cho lao động địa phương, thu hút 33 người tham gia. 

 NHÓM PV KINH TẾ

----------

Bài 1: Mỗi chuyến biển là một lần hồi hộp

Bài 3: Doanh nghiệp chế biến thủy sản "đói" nguyên liệu

Bài 4: Đi tìm giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản

;
.