Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng cao

Thứ Sáu, 01/03/2019, 15:55 [GMT+7]
In bài này
.

2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đang có sự bứt phá mạnh mẽ, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Công nhân Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ) gia công sản phẩm dây cáp điện xe hơi xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ) gia công sản phẩm dây cáp điện xe hơi xuất khẩu.

2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (trừ dầu thô) đạt hơn 686,1 triệu USD, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số các ngành hàng xuất khẩu của tỉnh, một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng cao như: Dệt may đạt 176,05 triệu USD, tăng hơn 8,8 lần; xơ, sợi, dệt các loại đạt 41,37 triệu USD, tăng hơn 2 lần; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 11,64 triệu USD, tăng 2,6 lần; sản phẩm từ sắt thép đạt 61,01 triệu USD, tăng gần 2 lần… 

Theo lãnh đạo Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 435 ngàn USD, các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết đến tháng 6-2019. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc công ty cho biết: Năm 2019, công ty phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tăng từ 5-8% so với năm 2018. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đang thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa một cách mạnh mẽ giữa các nước tham gia, trong đó có ngành may mặc của Việt Nam.

Còn tại Công ty CP TM-SX tôn Tân Phước Khanh, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 6,8 triệu USD, các sản phẩm chủ yếu xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Để tận dụng lợi thế từ CPTPP, công ty đã đầu tư thêm một xưởng sản xuất với tổng công suất dự kiến khoảng 500 ngàn tấn/năm và đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu để cải tiến chất lượng. Đồng thời, công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, trong đó chủ yếu thu mua nguyên liệu trong nước để giảm các chi phí, tăng giá trị xuất khẩu. Mục tiêu năm nay của công ty là tăng 10% sản lượng và doanh thu so với năm 2018.

Theo dự báo, tình hình xuất khẩu năm 2019 sẽ có nhiều thuận lợi, xuất phát từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngoài CPTPP, Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019, đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất mới. Theo đánh giá của ngành công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm là tín hiệu vui để tiếp tục đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2019. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, kết quả trên đạt được là nhờ DN không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề để có thể đáp ứng được những đơn hàng khó của đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng như tỉnh BR-VT đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Điều này đã tác động tích cực đến sự phát triển của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Các DN tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến mực xuất khẩu.   Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến mực xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của các DN trong tỉnh vẫn chủ yếu là gia công, nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, tập trung ở một số ngành như thủy sản, dệt may. Để bảo đảm sản xuất, ngành dệt may đều phải nhập nguyên liệu đến 70%, trong đó nguyên liệu chính là vải nhập chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, vì vậy sẽ gia tăng chi phí đầu vào, giảm giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, các DN kinh doanh thủy hải sản cũng đối mặt thẻ vàng cảnh cáo từ EU; thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, do ngư trường khai thác trong nước ngày càng cạn kiệt. Do vậy, ngay từ đầu năm 2019, trong các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, ngành công thương đã đề ra hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khơi thông thị trường. Trong đó có giải pháp đổi mới, nâng cao cơ chế phối hợp giữa sở ngành, các DN và hiệp hội DN; đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O…

Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.