Xác định sản phẩm đặc trưng để hỗ trợ phát triển

Thứ Tư, 13/03/2019, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), giai đoạn 2018-2020 có mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của cấp xã, huyện, tỉnh theo chuỗi giá trị. Tỉnh BR-VT đang triển khai chương trình này, trong đó chú trọng đến việc chọn sản phẩm đặc trưng của các địa phương.

Thu hoạch thanh long tại nhà ông Nguyễn Văn Ba (xã Bông Trang, huyện Xuyên mộc).
Thu hoạch thanh long tại nhà ông Nguyễn Văn Ba (xã Bông Trang, huyện Xuyên mộc).

Ông Nguyễn Tiến Bảy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, chương trình OCOP hướng đến việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, mang tính đặc trưng của mỗi vùng, đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt OCOP giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì xây dựng và thực hiện dự án. 

Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là chọn các sản phẩm đặc trưng của các xã, huyện. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng hóa, dịch vụ như nông sản, thực phẩm đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Ông Bảy cho biết: “Chương trình đặc biệt ưu tiên các đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ tại địa phương. Sau thời gian thực hiện, tại BR-VT đã xác định được hơn 20 sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp đặc sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định như nhãn xuồng cơm vàng, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, hồ tiêu, cá nước ngọt…”.

Các tổ chức kinh tế tập thể, tư nhân là chủ thể thực hiện trong đề án OCOP. Qua khảo sát, các HTX, nông dân, DN sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm đến chương trình này. Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Suối Giàu, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cho biết, những năm qua, HTX đã phát triển sản xuất cá nước ngọt trên vùng gò đồi thuộc xã Suối Rao và đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, HTX đang muốn mở rộng sản xuất, không chỉ nuôi cá đơn thuần mà còn xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng nên cần những chính sách hỗ trợ. Nếu chương trình OCOP được thực hiện với những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, nhất là về tiếp cận vốn vay thì sẽ thuận lợi hơn cho người sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều bà con, DN, HTX vẫn còn băn khoăn về phương thức và các sản phẩm đặc trưng được lựa chọn. Ông Nguyễn Lâm (ấp 1, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) đang trồng 2ha tiêu bằng hình thức hữu cơ. Theo ông Lâm, hiện nay, nhiều nông dân đã chú trọng hơn đến việc sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản. “Khi biết tỉnh đang triển khai chương trình OCOP, tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về việc chọn sản phẩm đặc trưng. Ví dụ như cây hồ tiêu là thế mạnh của nhiều xã, huyện. Vì vậy nên chương trình phải tính toán đến việc nhiều xã trong cùng một huyện, thậm chí nhiều huyện trong tỉnh đều chọn tiêu làm sản phẩm tiêu biểu. Tôi kiến nghị nên xây dựng thương hiệu chung cho tiêu đen BR-VT thay cho làm thương hiệu riêng lẻ ở từng xã, khiến việc quản lý gặp khó khăn”, ông Lâm đề xuất.

Nông sản sẽ được gắn “sao”
Các sản phẩm tham gia vào đề án OCOP sẽ được xếp hạng nhờ việc gắn “sao”. Trong đó, cao nhất là hạng 5 sao là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thấp nhất là hạng 1 sao là sản phẩm yếu. Các sản phẩm tham gia vào đề án này sẽ được Nhà nước tham gia định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng KH-CN, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Tiến Bảy, một số loại trái cây, hồ tiêu, các sản phẩm chế biến thủy sản là thế mạnh chung của nhiều xã, huyện của BR-VT. “Chúng tôi xác định phải dựa vào đặc trưng của từng xã, huyện để chọn sản phẩm thế mạnh. Có xã sẽ có 2 thậm chí 3 loại đặc sản được hỗ trợ để phát triển. Với các nông sản thế mạnh chung của nhiều địa phương khác nhau, sẽ có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu chung cấp huyện hoặc tỉnh chứ không cứng nhắc “cứ mỗi xã một sản phẩm” sẽ gây khó khăn trong sản xuất, quản lý”, ông Bảy thông tin.

Ngoài khảo sát, chọn lựa các sản phẩm đặc trưng truyền thống, có sẵn. Nhiều địa phương đang tìm kiếm các mô hình sản xuất mới phù hợp để làm thành đặc sản của mình. Theo ông Lê Quý Thịnh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, địa phương đã dành kinh phí gần 2 tỷ đồng xây dựng 39 mô hình sản xuất nông nghiệp cho các xã, thị trấn; trong đó chú trọng một số sản phẩm mới có thể trở thành đặc sản của địa phương theo chương trình OCOP như trồng cây nha đam, nuôi gà trống thiến, nuôi thỏ…

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.