Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 3: Gỡ bỏ rào cản để tạo lực đẩy mới

Thứ Sáu, 01/03/2019, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ  giúp nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, trước hết phải gỡ bỏ các rào cản và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, thu hút DN, nông dân đầu tư vào NNCNC.

HDBank đang thực hiện gói cho vay “Tài trợ cho khách hàng phát triển ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch” với tổng hạn mức của chương trình lên đến 10.000 tỷ đồng. Theo đó, HDBank áp dụng mức lãi suất giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường.  Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại HDBank Vũng Tàu.
HDBank đang thực hiện gói cho vay “Tài trợ cho khách hàng phát triển ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch” với tổng hạn mức của chương trình lên đến 10.000 tỷ đồng. Theo đó, HDBank áp dụng mức lãi suất giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại HDBank Vũng Tàu.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Theo các DN, để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển NNCNC đòi hỏi nhà nước phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình DN đầu tư vào NNCNC. Cụ thể, Nhà nước cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu...) trên đất nông nghiệp để DN có cơ sở vay vốn; mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Về phía các địa phương phải nhanh chóng cấp giấy xác nhận DN NNCNC; cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi thu hút DN đầu tư vào NNCNC. Bên cạnh đó, để các cơ sở sản xuất NNCNC tiếp cận đất thuận lợi, cần phải đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất. Đồng thời, Nhà nước cần đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào DN.

Để chính sách thực sự trở thành “bà đỡ” cho NNCNC phát triển, từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục cho vay; hoàn thiện tiêu chí DN NNCNC theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển NNCNC; sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển NNCNC theo hướng chuyên sâu, gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh NNCNC. Mặt khác, quan tâm xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản...

Trong khi đó, theo các ngân hàng, để thực hiện hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, các ngân hàng ưu tiên triển khai đối với các DN, dự án NNCNC có triển vọng tốt. Đơn cử HDBank lựa chọn những dự án áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến hướng tới tạo ra sản phẩm rau quả sạch chất lượng cao. Cụ thể như công nghệ lai tạo giống, trồng cây trong nhà kính, trồng cây theo phương pháp thủy canh và trên giá thể, vận dụng công nghệ tưới nhỏ giọt... Các DN nuôi trồng, thu mua, chế biến sản phẩm... đều có thể vay vốn thực hiện dự án. Theo ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu, với gói vay ưu đãi này sẽ giúp người dân, DN có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng ứng dụng CNC  vào sản xuất.

Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 43/49 chi nhánh tổ chức tín dụng tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có 8 chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phục vụ NNCNC, nông nghiệp sạch với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất thông thương cùng kỳ hạn. Cụ thể,  lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DNCNC 6-6,5%/năm; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn ở mức 7-11%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9-12%/năm. Tính đến cuối tháng 2-2019, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 69.600 tỷ đồng, tăng 3,64% so với đầu năm, trong đó doanh số cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 6,52% so với đầu năm, chiếm 29,45% tổng dư nợ toàn địa bàn.

NHANH CHÓNG CÓ ĐẤT SẠCH GIAO CHO DN

Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian qua UBND tỉnh cũng đã giao cho các sở, ban, ngành chức năng rà soát xây dựng quy chế phối hợp trong việc giao, cho thuê đất, cũng như sớm hoàn tất các tủ tục pháp lý để có quỹ đất sạch nhằm thu hút và lựa chọn DN tham gia vào phát triển NNCNC. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng, địa phương có đất thu hồi làm dự án phải rà soát quỹ đất và thực hiện việc giao đất để phát triển NNCNC đúng mục đích; phải có biện pháp xử lý cụ thể đối với DN sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa vào sản xuất…

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với huyện Xuyên Mộc, Châu Đức đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại địa bàn, nhất là đối với phần đất Nông Lâm trường giao lại cho địa phương quản lý. Riêng đối với địa bàn huyện Châu Đức, hiện đang vướng mắc về ranh giới sử dụng đất giữa các tổ chức với hộ gia đình, cá nhân nên UBND tỉnh giao cho Sở TN-MT tham mưu, xây dựng kế hoạch đo đạc bổ sung, cập nhật bộ hồ sơ địa chính đối với khu vực biến động lớn và một số khu vực đất do Công ty Cao su giao trả cho địa phương quản lý để có cơ sở xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân…

Riêng đối với Sở NN-PTNT cũng đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc họp nghe DN báo cáo để đánh giá, góp ý các nội dung về quy mô, sản phẩm, kỹ thuật canh tác của các dự án NNCNC. Theo đánh giá, các nhà đầu tư NNCNC trên địa bàn tỉnh đa phần có tiềm lực tốt, các dự án tập trung vào các loại nông sản có giá trị, đã xác định được thị trường tiêu thụ nên tính khả thi cao. Các dự án này được thực hiện sẽ giúp giúp xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu lớn, nâng cao giá trị các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho các DN về thủ tục hành chính, đất đai, hạ tầng giao thông cũng như việc kết nối thị trường để tạo thành chuỗi giá trị liên kết, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp của BR-VT.

Trong thời gian qua, Sở NN-PTNT đã tiếp nhận, góp ý kiến của 54 dự án trên diện tích 4.800ha, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng để chủ dự án bổ sung, chuyển Sở KH-ĐT là cơ quan đầu mối lấy ý kiến, xem xét trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy hoạch của Chính phủ, tỉnh BR-VT nằm trong 12 Khu NNCNC của cả nước định hướng đến 2030. Do vậy, tỉnh đã đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến với Chính phủ cho phép BR-VT thành lập khu NNCNC sớm hơn (trong giai đoạn 2018-2025). Hiện nay, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, xúc tiến việc xác định, trình UBND tỉnh duyệt đơn vị tư vấn hoặc DN đầu tư lập đề án thành lập, quy chế hoạt động, quy hoạch tổng thể Khu NNƯDCNC và sẽ sớm trình Bộ NN-PTNT. Riêng việc tạo quỹ đất sạch, theo Quy định của luật Lâm nghiệp, việc chuyển đổi mục đích rừng, đất rừng sang mục đích khác với diện tích trên 1.000ha thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó, Sở NN-PTNT, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND lập hồ sơ xin chuyển đổi 1.952ha đất lâm nghiệp thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT để trình các Bộ, ngành chuyên môn và trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo quy định. 

(Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT)


NHNN- chi nhánh BR-VT tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp- nông thôn nói chung  và triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như: cho vay NNCNC, nông nghiệp sạch, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay lúa gạo, thủy sản; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho DN nông nghiệp. Đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn.

(Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN, chi nhánh BR-VT)

Bài, ảnh: PHAN HÀ, QUANG VINH


Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Chỉ mới đặt được những viên gạch đầu tiên

Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 3: Gỡ bỏ rào cản để tạo lực đẩy mới

;
  • Kết quả SXMT nhanh nhất
.