Ngày xưa, biển không... đầy rác như bây giờ!

Thứ Ba, 19/03/2019, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng loạt bãi biển đẹp, nguyên sơ tại BR-VT đang bị tấn công bởi rác, đặc biệt là các loại rác khó phân hủy như túi ni-lông, rác thải nhựa. Đây là thời điểm tỉnh BR-VT sẽ phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để hưởng ứng lời kêu gọi “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lông” của Bộ TN-MT. Chỉ có hành động với những việc làm cụ thể mới mong ngăn chặn được “ô nhiễm trắng” đang đe dọa biển.

Bãi biển khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) ngập rác thải, trong đó phần nhiều là túi ni-lông, rác thải nhựa.
Bãi biển khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) ngập rác thải, trong đó phần nhiều là túi ni-lông, rác thải nhựa.

BỜ BIỂN NGẬP RÁC

Hơn 20 năm qua, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu) luôn nằm trong danh sách “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường do rác thải. Rác trôi bồng bềnh trên kênh, rác dạt vào những góc kẹt của kênh Bến Đình với đủ thứ. Nhưng nhiều nhất vẫn là túi ni-lông, rác thải nhựa. Anh Vũ Hồng Bằng, tổ trưởng tổ vớt rác kênh Bến Đình, công nhân Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị TP.Vũng Tàu (VESCO) cho biết, trung bình mỗi ngày tổ vớt rác thu gom được khoảng 5-6 tấn rác thải trên kênh chủ yếu là rác thải nhựa. Để khắc phục một phần ô nhiễm trên kênh Bến Đình, từ năm 2012 đến nay, UBND TP.Vũng Tàu đã giao cho công ty thực hiện việc thu gom rác trên kênh, nhưng lượng rác ni-lông và nhựa vẫn không thuyên giảm.

Ngoài kênh Bến Đình, tại TP.Vũng Tàu, vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, từ bãi tắm Long Cung (khu vực Chí Linh) đến mũi Nghinh Phong, Bãi Dứa và Bãi Trước thường phải hứng chịu khoảng 300-400 tấn rác dạt vào, trong đó nhiều nhất là rác trôi dạt về từ khu vực biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Tổng Giám đốc Công ty VESCO cho biết, vào lúc cao điểm, mỗi ngày, công nhân phải thu dọn khoảng 50-60 tấn rác.

TP. Vũng Tàu tổ chức thu gom rác từ nơi khác trôi dạt vào bờ, làm sạch bãi biển.
TP. Vũng Tàu tổ chức thu gom rác từ nơi khác trôi dạt vào bờ, làm sạch bãi biển.

Còn tại các bãi biển Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc), Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Long Hải (huyện Long Điền)… rác thải nhựa cũng tràn lan khắp nơi. Chỉ cần đi khoảng 100m trên bãi biển Lộc An (khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), thay vì lớp cát dưới chân là một lớp dày túi ni-lông, chai nhựa lổm nhổm. Khi những cơn gió thổi mạnh, túi ni-lông bay tung tóe, một số theo dòng chảy của biển ra đại dương. Theo lãnh đạo UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) mặc dù địa phương bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa, túi ni-lông ra biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch nhưng nhiều người vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) từ chính nơi mình sinh sống và làm ăn.

Trong khi đó, tại huyện Côn Đảo, vào mùa gió chướng (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), nhiều bãi biển trở thành bãi rác với hàng tấn rác thải từ đại dương dạt về. Khối lượng khoảng 900m3/năm. Theo Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, rác thải ở đây chủ yếu là rác khó phân hủy như can nhựa, ly nhựa, túi ni-lông...

NÓI KHÔNG VỚI ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, không riêng Việt Nam mà nhiều nước châu Á cũng đang tìm mọi cách để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã có những hành động quyết liệt, thậm chí tuyên chiến với rác thải nhựa và túi ni-lông.

Với BR-VT, xác định kinh tế biển là mũi nhọn, những năm qua các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp để BVMT biển như: Điều tra hiện trạng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tổ chức các hoạt động “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”; chiến dịch làm sạch biển; nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, BVMT… “Tuy nhiên, để cứu biển BR-VT trước mối nguy rác thải nhựa, việc phải làm lúc này là tổ chức thu gom rác thải nhựa, chấm dứt ngay tình trạng xem biển là bãi rác, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi ni-lông”, ông Linh nói.

Hiện nay, các địa phương cũng bắt đầu vào cuộc với chiến dịch “Nói không với túi ni-lông và nhựa dùng một lần” để bảo vệ đại dương, BVMT. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu cho biết, nhiều năm qua, ngư dân hoặc các hộ dân sinh sống gần các cửa sông, ven biển thường có thói quen xả rác xuống biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Từ năm 2018 đến nay, phường Thắng Nhì đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, vận động ngư dân cùng nhau giữ vệ sinh, BVMT biển như thực hiện cam kết bỏ rác đúng nơi quy định, tổ chức thu gom rác; cắm biển cấm đổ rác ở các cảng…

Báo cáo của Liên Hợp quốc cho thấy, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính khó phân hủy, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni-lông, hộp đựng đồ ăn) đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Các huyện Côn Đảo, Đất Đỏ, Long Điền… cũng đang xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức BVMT cho người dân địa phương, khách du lịch trong đó các giải pháp tập trung đến việc hạn chế sử dụng túi ni-lông; sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần; kêu gọi ngư dân không xả rác ra biển; kêu gọi khách du lịch khi đi không để lại rác… Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng, đặc biệt là các bãi biển.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.