NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 22-3:

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để có "nước cho tất cả"

Thứ Năm, 21/03/2019, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Dù chưa phải địa phương thiếu nước nghiêm trọng, nhưng với trữ lượng hiện có, để bảo đảm nguồn nước đáp ứng lâu dài cho sinh hoạt và sản xuất, BR-VT cần đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, xây dựng ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Anh Ngô Văn Tươi (tổ 1, thôn 9, xã Long Sơn) mua nước sạch đóng can để sử dụng.
Anh Ngô Văn Tươi (tổ 1, thôn 9, xã Long Sơn) mua nước sạch đóng can để sử dụng.

NHIỀU NƠI VẪN KHÓ KHĂN VỀ NƯỚC

Anh Đỗ Xuân Tâm có 20ha bơ trồng tại xã Xà Bang và Láng Lớn (huyện Châu Đức) gần đến lúc thu hoạch. 1 tháng qua, anh Tâm đã phải tưới cho bơ cả ngày lẫn đêm. Theo anh Tâm, nhà anh có 2 cái giếng đào nhưng từ giữa tháng 2, nước giếng đã bắt đầu cạn. Anh phải đào giếng sâu xuống thêm 5m, nhưng lượng nước không đủ để có thể tưới liên tục vào ban ngày. “Cứ tưới được khoảng 1 tiếng là giếng đã cạn. Muốn tưới đủ cho 20ha bơ (6 giờ/ngày) thì phải tưới thêm vào ban đêm”, anh Tâm nói.

Tình trạng thiếu nước sản xuất trong mùa khô năm nay đã xuất hiện ở các vùng địa hình cao ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Để đủ nước tưới cho cây trồng, người dân buộc phải khai thác nước ngầm quá mức, gây ra những hệ lụy xấu cho môi trường.

Nhưng không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều nơi ở BR-VT cũng đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc có 6.000 hộ dân nhưng mới chỉ có khoảng gần 1.300 hộ được sử dụng nước sạch (chiếm 30%). Trong số 9 ấp thì 3 ấp (Tân Rú, Tân An và Thạnh Sơn) hoàn toàn chưa có nước sạch. Người dân hiện đang phải sử dụng nước giếng đào hoặc nước giếng khoan nhưng hầu hết các vùng này nước đều bị nhiễm phèn.  

Còn tại tổ 2, thôn 9, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu hiện có 90 hộ dân cũng đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Không chỉ vì hệ thống nước sạch chưa được cấp đến nơi mà vùng đất này còn nhiễm phèn nặng nên ngay cả nước giếng đào, giếng khoan cũng không thể sử dụng được. Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều phải mua nước sạch để sinh hoạt. Anh Ngô Văn Tươi (nhà ở tổ 1, thôn 9, xã Long Sơn) cho biết: “Cứ 3-4 ngày tôi lại phải đi mua nước sạch một lần, mỗi lần 12 can. Cả gia đình 3 người phải xài thật tiết kiệm mới được 4 ngày. Tính trung bình, mỗi tháng gia đình tôi phải mua khoảng 200 ngàn đồng tiền nước”. 

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (NS-VSMTNT), đến nay, toàn tỉnh có gần 62.000 hộ dân được sử dụng nước máy đạt tiêu chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 74%. Như vậy, vẫn còn 26% người dân khu vực nông thôn chưa có nước sạch để sử dụng. 

BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Theo Sở TN-MT, tổng trữ lượng nước dưới đất khai thác an toàn trên địa bàn tỉnh là 365.405m3/ngày, trong đó trữ lượng khai thác an toàn đối với nước ngọt là 338.258m3/ngày và 27.147m3/ngày đối với nước mặn. Nước ngầm dự trữ cũng rất ít, chỉ có thể khai thác khoảng 10.000m3/ngày.

Ngoài ra, sự phân bố của các nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh không đồng đều khiến tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô vẫn diễn ra ở một số địa phương như huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ… Các dòng sông cung cấp nước cho BR-VT chủ yếu là sông ngắn và có lưu vực nhỏ. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, tỉnh BR-VT không tránh khỏi nguy cơ thiếu nước. Bên cạnh đó, BR-VT cũng là địa phương chịu tác động rõ rệt bởi biến đổi khí hậu trong những năm qua với rất nhiều những biểu hiện như nhiệt độ nóng lên, nước biển dâng, xói lở bờ biển… Đặc biệt, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mực nước các hồ thủy lợi, các dòng sông xuống dưới ngưỡng khai thác, nguồn nước ngầm cũng không được bổ sung gây cạn kiệt trên diện hẹp, người dân BR-VT, nhất là nông dân thường thiếu nước cho sinh hoạt lẫn tưới tiêu. Cụ thể, cách đây 5 năm, mực nước ngầm tại các khu vực Bình Giã, Xuân Sơn, Quảng Thành (huyện Châu Đức); Bông Trang, Hòa Hội, Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc)… cách mặt đất khoảng 7-8m thì hiện nay mực nước ngầm bị hạ thấp cách mặt đất từ 15-17m. 

Theo Bộ TN-MT, Ngày Nước thế giới 22-3-2019
hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người bị bỏ lại phía sau. Ngày Nước thế giới năm 2019 có chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm điều chỉnh, cụ thể những cam kết trong chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải được hưởng lợi: “Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của con người bạn”.

Sở TN-MT nhận định do nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước của người dân còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong sinh hoạt và sản xuất, nên đã gây lãng phí nước và kém hiệu quả đối với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động hàng ngày của đời sống… Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân phải có ý thức tiết kiệm nước và chung tay bảo vệ môi trường, tránh xâm hại đến hành lang an toàn nguồn nước. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, hạn chế các nguồn nhiễm bẩn xâm nhập vào tầng nước dưới đất, từ năm 2017 đến nay, Sở TN-MT đã tiến hành trám lấp các giếng khoan, hư hỏng; xây dựng kế hoạch thu gom và xử lý rác thải tại nguồn; điều tra, đánh giá khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.