Đăng ký thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm công nghiệp nông thôn: Quá ít sản phẩm tham gia

Thứ Sáu, 15/03/2019, 17:22 [GMT+7]
In bài này
.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), nhưng số cơ sở được đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch còn rất ít, chỉ đạt khoảng 3-4%. Nguyên nhân là do các cơ sở này chưa thấy được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu nên chưa mấy “mặn mà” với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch cho sản phẩm.

Từ khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sức tiêu thụ sản phẩm tại Cơ sở làm nước mắm truyền thống Hòn Cau (80, Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu) tăng.
Từ khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sức tiêu thụ sản phẩm tại Cơ sở làm nước mắm truyền thống Hòn Cau (80, Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu) tăng.

Thương hiệu là một kênh quảng bá cho sản phẩm của DN, cơ sở CNNT, giúp phòng tránh hàng giả, hàng nhái. Các sản phẩm CNNT muốn phát triển, lớn mạnh, thì việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu là điều không thể thiếu. Chính vì vậy, để xây dựng chiến lược phát triển, các cơ sở phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quan tâm quảng bá, thiết kế bộ nhận diện, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo uy tín với người tiêu dùng. Để hỗ trợ các cơ sở CNNT, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (TTKC và TVPTCN) đã thực hiện việc hỗ trợ các cơ sở CNNT đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; mã số, mã vạch. Từ năm 2016 đến nay, đã có 8 cơ sở CNNT đăng ký nhãn hiệu; 8 cơ sở đăng ký bản quyền logo và 12 cơ sở đăng ký mã vạch. Có thể kể đến các sản phẩm như chocolate của Công ty TNHH Thực phẩm Amazon; các sản phẩm từ đan lục bình của Công ty Khang Việt Tiến; nước mắm Hòn Cau của Cơ sở làm nước mắm truyền thống Hòn Cau; tinh bột nghệ của Cơ sở SXKD tinh bột nghệ Thuần Dương... Hầu hết các cơ sở sau khi được đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa thì việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Đồng thời, các DN, cơ sở thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của mình về hàng hóa do mình sản xuất ra, hạn chế việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Sản phẩm cà phê bột pha phin của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá đã được đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch.
Sản phẩm cà phê bột pha phin của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá đã được đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch.

 Ông Trần Văn Thuần, chủ Cơ sở SXKD tinh bột nghệ Thuần Dương (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) cho biết, năm 2018, cơ sở này được TTKC và TVPTCN hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với mức phí khoảng 10 triệu đồng. Theo đó, chỉ trong vòng 1 tháng cơ sở này đã được Bộ KHCN cấp mã số, mã vạch để in trên bao bì các sản phẩm. Từ khi sản phẩm tinh bột nghệ có mã vạch, người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Có nhãn hiệu, mã số, mã vạch, sản phẩm tinh bột nghệ của Thuần Dương dễ dàng được tham gia các đợt xúc tiến thương mại và có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Đức, chủ Cơ sở làm nước mắm truyền thống Hòn Cau (80, Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu) cho biết: Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Do đó, từ năm 2017, các sản phẩm của nước mắm Hòn Cau được đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; mã số, mã vạch đầy đủ.  Đến nay, nước mắm Hòn Cau được nhiều người dân và khách du lịch biết đến nên sức tiêu thụ cũng tăng cao hơn trước. 

Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc TTKC và TVPTCN tỉnh,  tuy số cơ sở CNNT được đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; mã số, mã vạch chưa nhiều, nhưng từ những thành công đầu tiên đã có tác động tích cực về ý thức xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các cơ sở CNNT. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở, DN vẫn còn nhiều khó khăn, các cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, phát triển tự phát nên việc xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm. Trong khi đó, các cơ sở CNNT chưa được hưởng nguồn kinh phí khuyến công mà hầu hết là do DN tự bỏ tiền ra để đăng ký thương hiệu. Một số DN, cơ sở CNNT cũng mới chỉ được hỗ trợ một phần chi phí. Do đó, chưa có nhiều DN, cơ sở CNNT “mặn mà” với chương trình này. “Trong năm 2019, TTKC và TVPTCN sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cho các cơ sở đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm CNNT. Đồng thời, triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ DN ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu”, ông Đinh Trọng Cường nói.

Bài, ảnh: THANH NGA

;
.