Vào mùa mứt Tết

Thứ Sáu, 18/01/2019, 11:35 [GMT+7]
In bài này
.

Bắt đầu từ giữa tháng Chạp, ngang qua những lò mứt Tết, chỉ cần cảm cái hương gừng, hương dừa ngào quện trong gió cũng đủ để mọi người có những hình dung rõ ràng về Tết.

Những ngày này, cơ sở làm mứt dừa Hạnh Phúc nổi tiếng ở Vũng Tàu (C5-2/41, Đô thị Chí Linh) đã xuất bán những mẻ mứt dừa đầu tiên cho khách hàng. 

Chị Võ Thị Thu Hạnh, chủ cơ sở Hạnh Phú cho biết: “Để chủ động đủ nguyên liệu sản xuất số lượng lớn, từ cuối tháng 11 Âm lịch, mình đã bắt đầu thu mua dừa trái về cất kho. Muốn có những mẻ mứt dừa dẻo tươi, việc chọn dừa phải kỹ lưỡng, bảo đảm trái dừa không quá già và cũng không quá non. Cùi dừa quá già thì mứt sẽ khô, cứng, còn nếu quá non thì mứt sẽ nhũn và khó bảo quản”.

Chị Võ Thị Thu Hạnh chọn nguyên liệu chế biến mứt.
Chị Võ Thị Thu Hạnh chọn nguyên liệu chế biến mứt.

Cùi dừa được tách khỏi vỏ, thái sợi, được ngâm trong nước ấm và luộc sơ để loại bỏ dầu dừa, sau đó ngào với đường trắng. Cũng trong công đoạn này, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà thợ làm mứt sẽ trộn màu. Ở cơ sở Hạnh Phúc, tất cả các loại màu trộn mứt đều được làm từ những loại hoa quả tự nhiên như lá dứa, hạt dành dành, quả gấc, củ dền... Hỗn hợp cùi dừa ngào đường và màu tự nhiên được ủ trong khoảng 4 giờ để đường và màu thấm đều.

Khách hàng ở phường 10, TP.Vũng Tàu đến tận cơ sở Hạnh Phúc tìm hiểu cách chế biến, để yên tâm khi mua mứt dừa về dùng trong dịp Tết. Ảnh: ĐINH HÙNG
Khách hàng ở phường 10, TP.Vũng Tàu đến tận cơ sở Hạnh Phúc tìm hiểu cách chế biến, để yên tâm khi mua mứt dừa về dùng trong dịp Tết.

Dừa sau khi đã ướp xong thì được cho vào chảo sên trong khoảng 1 giờ. Suốt quá trình sên mứt phải để lửa nhỏ, đảo liên tục tới khi mứt đã có đường kết tinh mới tắt bếp. Sau đó, tiếp tục đảo thêm vài phút cho mứt khô ráo hoàn toàn, như vậy mứt sẽ không bị chảy nước. Khi mứt sên xong để cho mứt nguội hẳn sau đó mới đem đóng gói hoặc cất trong hũ sạch, đậy nắp kín bảo quản nơi thoáng mát. 

Chị Hạnh vui vẻ chia sẻ: “Từ việc chọn dừa, tạo màu tự nhiên…mình đều ghi hình để giới thiệu với khách hàng nên ai cũng an tâm về chất lượng. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết, khách hàng đặt mua mứt rất nhiều, có khi phải làm ngày làm đêm mới kịp”. Khách mua mứt dừa của chị Hạnh không chỉ những người thân mà còn có cả nhiều người ở các tỉnh, thành khác. Có người đặt mua với số lượng lớn. Giá mứt dừa được cơ sở Hạnh Phúc bán ở mức 200.000 đồng/kg. “Cứ Tết đến là tôi đặt mua của Hạnh Phúc 10 kg mứt dừa để gửi về quê làm quà. Mứt dừa Hạnh Phúc rất mềm, dẻo, thơm ngon và được bảo đảm về chất lượng”, chị Nguyễn Thị Hòa (phường 10, TP.Vũng Tàu) nói.

Những mẻ mứt “chỉ nhìn đã thấy Tết”.
Những mẻ mứt “chỉ nhìn đã thấy Tết”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Vân (khu phố 3, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) 10 năm nay đã quen với không khí tất bật làm mứt gừng bán Tết. 

Chị Vân cho biết: “Trước đây, khi còn ít người kinh doanh, mỗi dịp Tết, gia đình có khi bán được khoảng 300 kg mứt gừng, còn hiện giờ, năm nào bán nhiều cũng chỉ được khoảng 100 kg”. 

Chị Vân cho biết, các công đoạn làm mứt gừng cũng tương tự như làm mứt dừa hay các loại mứt khác. Nhưng muốn mứt gừng ngon thì nên dùng gừng sẻ thay cho các loại gừng cao sản (loại gừng lát to, thường được bán đại trà trong siêu thị, chợ). Gừng sẻ tuy màu sắc không trắng đẹp, lát gừng nhỏ nhưng rất thơm, cay. Chị Vân bật mí: “Mứt gừng mà sên bằng bếp ga thì khó mà ngon được. Muốn giữ hương vị đậm đà thì sên mứt bằng than củi là số một”. 

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.