Đẩy lùi "tín dụng đen" - Bài 2: Làm gì để xóa bỏ "tín dụng đen"?

Chủ Nhật, 06/01/2019, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Trước thực trạng “tín dụng đen” hoành hành, Công an tỉnh đã lập chuyên án phòng, chống; các địa phương, các ngành cũng triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, để “tín dụng đen” không còn “đất sống”, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Phú Mỹ.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Phú Mỹ.

NGĂN CHẶN BẰNG NHIỀU GIẢI PHÁP

Thực tế cho thấy, không chỉ ở BR-VT mà trên phạm vi cả nước, tình trạng “tín dụng đen” đang bùng phát mạnh mẽ. Trước thực trạng này, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ngăn chặn tình trạng này. Bộ Công an cũng đã yêu cầu công an các tỉnh, thành lập chuyên án triệt phá; phối hợp với các lực lượng ở địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chặn đứng hoạt động “tín dụng đen”.

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp nhằm đẩy lùi “tín dụng đen”. Trong đó, Công an tỉnh đã lập chuyên án để truy quét loại hình tội phạm này; đẩy nhanh công tác điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh đối với tội phạm cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Song song đó, lực lượng công an cùng chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: Siết chặt hoạt động của các tiệm cầm đồ, các địa chỉ lưu trú, kho, bãi, nhà trọ, nhất là những địa điểm nóng về nạn đánh bài, game bắn cá... những nơi nghi vấn có hoạt động “tín dụng đen”; lập hồ sơ theo dõi, quản lý các đối tượng nghi vấn; Phát động, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào tố giác tội phạm; Phối hợp với các DN viễn thông xử lý các thuê bao điện thoại đăng quảng cáo trái phép liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Qua đấu tranh, trong năm 2018, lực lượng công an đã xác minh 2 vụ việc, khởi tố 1 vụ việc cho vay nặng lãi; khởi tố 6 vụ, 12 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” về các hành vi: Bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích; xử lý hành chính 12 vụ với 22 đối tượng về các hành vi: Gây rối trật tự công cộng, treo, dán, vẽ các quảng cáo nơi công cộng, tàng trữ hung khí, có hành vi cố ý gây thương tích, xâm hại sức khỏe người khác, đe dọa, dùng thủ đoạn buộc người khác trả tiền.

Các địa phương cũng đã đồng loạt triển khai các giải pháp để ngăn chặn “tín dụng đen”. TP. Vũng Tàu đã thành lập Ban chỉ đạo 138, tổ chức các hội nghị chuyên đề để nhận diện, phân tích và đề ra giải pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn. Trung tá Bùi Uy Phừng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Vũng Tàu cho biết, địa phương đã triển khai chuyên đề “Điều tra cơ bản hệ loại đối tượng cho vay nặng lãi và băng nhóm đòi nợ thuê trên địa bàn thành phố”.

Các lực lượng phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) xóa bỏ quảng cáo, rao vặt về tín dụng đen ở các địa bàn dân cư.
Các lực lượng phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) xóa bỏ quảng cáo, rao vặt về tín dụng đen ở các địa bàn dân cư.

Công an huyện Đất Đỏ cũng chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn “tín dụng đen”. Đại tá Lê Trung Hoàng, Trưởng Công an huyện Đất Đỏ cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch và tăng cường lực lượng theo dõi, yêu cầu các đối tượng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi ký cam kết, tuyên truyền đến tổ dân cư cho người dân biết hệ lụy của việc cho vay nặng lãi cũng như các thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thanh niên vận động, tuyên truyền người dân tham gia tố giác tội phạm”.

Đồng chí Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin, Đài Phát thanh huyện xây dựng các nội dung tuyên truyền, thiết kế tờ rơi với nội dung cảnh báo về hoạt động “tín dụng đen”. Địa phương còn thiết lập trang mạng xã hội “Tin Châu Đức” để chuyển tải thông tin cảnh báo đến cộng đồng và tiếp nhận những phản ánh của người dân về “tín dụng đen” cũng như các thông tin khác về an toàn, trật tự xã hội.

GIÚP NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN VỐN NGÂN HÀNG

Hoạt động “tín dụng đen” ngày càng phát triển là do người dân thiếu thông tin, khó tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng do thủ tục rườm rà, thiếu các điều kiện để được vay vốn và bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lôi kéo, dụ dỗ. Vì vậy, việc tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận các kênh vay vốn chính thống là cách hữu hiệu để chặn “tín dụng đen”.

Công an TP. Vũng Tàu tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh dịch vụ in ấn, photocopy không in ấn các ấn phẩm có nội dung quảng cáo về hoạt động cho vay vốn “tín dụng đen”.
Công an TP. Vũng Tàu tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh dịch vụ in ấn, photocopy không in ấn các ấn phẩm có nội dung quảng cáo về hoạt động cho vay vốn “tín dụng đen”.

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là một trong những kênh đóng vai trò quan trọng giúp đẩy lùi “tín dụng đen”. Ông Lê Văn Trương, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, Ngân hàng CSXH tỉnh có 8 phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố, 82 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và 1.669 tổ tiết kiệm vay vốn, “phủ sóng” tại 565 khu phố, thôn, ấp trên địa bàn tỉnh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng có nhiều chương trình cho vay như: cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, vay xuất khẩu lao động, vay giải quyết việc làm, vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh-sinh viên, vay xây dựng nông thôn mới… Với những trường hợp đến hạn nhưng chưa trả nợ, Ngân hàng cử cán bộ tín dụng đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có hướng hỗ trợ giãn nợ, xóa nợ cho người dân. Trong năm 2018, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng là hơn 833 tỷ đồng với 27.774 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

LĐLĐ tỉnh đã có văn bản đề nghị các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình “tín dụng đen” trong công nhân lao động, thông tin tuyên truyền giúp công nhân lao động hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để cảnh giác và tố giác. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh lưu ý các cấp công đoàn cần tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động.

Đại diện Agribank Chi nhánh BR-VT cho biết, thời gian qua, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi “tín dụng đen” như: Giãn nợ cho những hộ gia đình gặp khó khăn, mở rộng mạng lưới giao dịch. Mới đây nhất, giữa tháng 11-2018, Agribank đã khai trương điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, hoạt động trên địa bàn thị trấn Long Hải (huyện Long Điền). Điểm giao dịch lưu động này cung cấp các dịch vụ tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành, thu nợ, thu lãi các món vay của cá nhân thuộc địa bàn hoạt động, chi trả kiều hối, các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại, Internet…

Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Agribank Chi nhánh Long Điền cho biết, việc mở điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Theo lãnh đạo Agribank, nếu mô hình lưu động này hoạt động hiệu quả, Agribank sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhất là các vùng xa. Đến nay, nguồn vốn cho vay nông nghiệp-nông thôn tại Agribank khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ. Theo kế hoạch, trong năm 2019, Agribank sẽ triển khai chương trình “sáng vay chiều có tiền” để giúp người dân giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn, tránh tìm đến “tín dụng đen”.

NHÓM PV THỜI SỰ


Đẩy lùi "tín dụng đen" - Bài 1: "Tín dụng đen" hoành hành

Đẩy lùi "tín dụng đen" -  Bài 2: Làm gì để xóa bỏ "tín dụng đen"?

;
.