Xuất khẩu hải sản lao đao vì "thẻ vàng"

Chủ Nhật, 23/12/2018, 15:52 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2018, mặc dù một số chỉ tiêu xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhưng với sự tác động từ việc Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng liên quan đến hoạt động khai thác cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), ngành thủy sản đối mặt không ít khó khăn, thách thức.

Công nhân Công ty TNHH Cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu Tứ Hải chế biến cá đục phi lê xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu Tứ Hải chế biến cá đục phi lê xuất khẩu.

KHÓ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NĂM

Những ngày này, tại các xí nghiệp của Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) đang tất bật sản xuất để kịp giao những đơn hàng cuối năm cho đối tác nước ngoài. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, tính đến đầu tháng 12, sản lượng xuất khẩu của công ty đạt hơn 6.000 tấn, tổng kim ngạch hơn 34 triệu USD. Năm 2018, dự kiến DN chỉ hoàn thành được khoảng 90-95% so với kế hoạch đề ra. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhưng DN cũng đặt ra mục tiêu cho năm 2019 sẽ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 triệu USD. Hiện nay, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I-2019, đồng thời chủ động dự trữ nguyên liệu cho các đơn hàng lớn.

Để xuất khẩu thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, hiện BR-VT đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung phát triển nuôi một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao để phục vụ chế biến xuất khẩu như: cá mú, cá đù Mỹ, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá bớp, tôm hùm đá (xanh), tôm hùm tre. Trong khai thác thủy sản, tập trung đầu tư đóng mới tàu vỏ sắt, vỏ composit có công suất lớn, trang bị các thiết bị hiện đại, đầu tư hầm bảo quản lạnh cho các tàu đánh bắt xa bờ để tăng sản lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản… Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đẩy mạnh thông tin về các thị trường xuất khẩu, khuyến khích các DN nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản để giảm nhân lực, tăng năng suất; tăng cường sản xuất các sản phẩm tinh chế, có giá trị cao để nâng cao chất lượng hàng hóa; chủ động thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm bảo đảm các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
(Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương)

Còn tại Công ty TNHH Ngọc Tùng (1589, đường 30-4, TP. Vũng Tàu), công nhân cũng bắt đầu tăng ca đến 8 giờ tối để kịp giao hàng vào dịp Noel và Tết Dương lịch cho các đơn hàng cuối cùng của năm 2018. Bà Nguyễn Thị Mười, Trưởng phòng Chất lượng công ty cho biết: Tính đến đầu tháng 12 năm 2018, công ty đã xuất được khoảng 200 tấn sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 triệu USD, tuy nhiên, chưa đạt so với kế hoạch năm 2018 đề ra là 350 tấn. Nguyên nhân là do nguyên liệu sản xuất trong nước khan hiếm; hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu giảm 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu do tác động từ việc EC cảnh cáo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, công ty đã chuyển hướng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Trung Quốc, trong đó 80% là thị trường Hàn Quốc. “DN đã xây dựng 2 quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hàng khác nhau để phù hợp với yêu cầu của từng thị trường như: đầu tư băng chuyền đông siêu tốc, cấp đông nhanh, sản lượng nhiều, máy luộc... để đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường này. Dự kiến, năm 2019, công ty xuất 400 tấn sản phẩm vào thị trường Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5-10%, còn thị trường châu Âu chỉ sản xuất cầm chừng. Hiện đã có đơn đặt hàng cho năm 2019, nhưng công ty chưa dám nhận do nguồn nguyên liệu còn khó khăn”, bà Nguyễn Thị Mười cho biết thêm.

NHIỀU THÁCH THỨC

Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tính đến đầu tháng 12 đạt hơn 8,03 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2017. Theo VASEP, dù xuất khẩu thủy sản chung tăng so với năm 2017 nhưng xét riêng trong từng nhóm sản phẩm, hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do hàng rào thương mại và kỹ thuật ngày càng khắt khe hơn. Tại BR-VT, theo báo cáo của Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tỉnh tính đến đầu tháng 12 đạt 205,74 triệu USD, giảm 43,29% so với cùng kỳ năm 2017. Ước cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 295,46 triệu USD, chỉ bằng 75,12% so với năm 2017 (398,372 triệu USD).

Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến bạch tuộc xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến bạch tuộc xuất khẩu.

Theo Sở Công thương, năm 2018, một số yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản gồm: Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ; thuế chống bán phá giá tôm, cá tra sang Mỹ và “thẻ vàng” hải sản của Ủy ban châu Âu… Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ tháng 10-2017, từ đó đến nay tuy chưa đánh giá về thiệt hại nhưng 100% các lô hàng xuất khẩu phải chuyển về kho từ phía EC chỉ định để đánh giá trước khi ra thị trường, chi phí do đó đã tăng cao. Hầu hết các DN xuất khẩu thủy sản cho hay, việc Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng” khiến họ bị tổn thất, ảnh hưởng nặng nề do chi phí lưu cảng tăng. Trong khi đó, một số vấn đề nội tại như thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, vấn đề kháng sinh, giá thành sản xuất… vẫn đang trong quá trình cải thiện. 

Bà Nguyễn Thị Mười cho rằng, hệ lụy từ việc EC cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của công ty. Cụ thể lượng hàng xuất khẩu của công ty đã sụt giảm 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu vào châu Âu. Trong khi đó, hiện nay, 100% nguyên liệu của công ty đều được thu mua tại BR-VT. Dù việc kiểm soát việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên biển đã được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nhưng để giúp ngư dân cải thiện điều kiện đánh bắt tiến dần đến quy chuẩn chung của quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước để ngư dân thay đổi dần thói quen đánh bắt từ truyền thống sang đánh bắt hiện đại có các phương tiện giám sát hành trình, giám sát nhật ký đánh bắt. Có như vậy, mới mong EC sẽ xem xét gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam vào đầu năm 2019.

Công nhân Công ty Baseafood trong giờ sản xuất.  Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Công nhân Công ty Baseafood trong giờ sản xuất. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Ngoài ra, dù là tỉnh có vùng biển rộng lớn, nguồn tôm cá dồi dào nhưng năm 2018, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, dẫn đến các nhà máy chế biến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu, nhiều DN đã chủ động thu mua từ các tỉnh, thành khác, thậm chí phải nhập khẩu từ nước ngoài để có đủ nguyên liệu cho sản xuất, nhưng nhiều nhà máy chỉ hoạt động được khoảng 40-50% công suất.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.