Liên kết để phát triển hồ tiêu bền vững

Thứ Ba, 11/12/2018, 16:58 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 3 năm vừa qua, hồ tiêu liên tục rớt giá khiến nông dân lao đao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do diện tích và sản lượng hồ tiêu mấy năm qua tăng nóng một cách tự phát, cung - cầu mất cân đối. Do đó, việc liên kết trong sản xuất - phân phối - tiêu thụ đang là yêu cầu bức thiết, nhằm bảo đảm sự ổn định và bền vững cho nghề trồng tiêu.

Ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu tình hình sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Trong ảnh: Đoàn của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới tham quan quy trình sản xuất tiêu tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

Trong khuôn khổ hội nghị hồ tiêu Quốc tế được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) đã có chuyến khảo sát tại vùng trồng hồ tiêu của BR-VT. Qua đó, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường liên kết sản xuất hồ tiêu sạch, giảm dần diện tích các vùng trồng cho năng suất thấp, chất lượng kém để đưa loại cây trồng thuộc vị trí số 1 thế giới này của Việt Nam phát triển bền vững.

CHUYỂN HƯỚNG SẢN XUẤT SẠCH

Công ty Harris Freeman Việt Nam (Bình Dương) là một trong những DN xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất nước, hơn 10.000 tấn/năm. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, để tìm kiếm nguồn nguyên liệu có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, từ năm 2014, DN đã xây dựng các chuỗi liên kết giữa nông dân trồng hồ tiêu. Tại BR-VT, hơn 1.000 hộ dân có tổng diện tích hồ tiêu lên đến 1.300ha tham gia dự án của Công ty. Khi tham gia dự án, người dân được DN chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu theo chuẩn Global GAP, SAN, hỗ trợ trả chậm tiền phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm đúng giá thị trường. Đối với sản phẩm chất lượng vượt trội, DN sẽ thưởng thêm cho nông dân 4.000 đồng/kg. Đổi lại, các hộ nông dân tham gia vào dự án phải cam kết sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật mà công ty hướng dẫn và cam kết bán sản phẩm cho công ty. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) - một trong những hộ dân tham gia mô hình này cho biết, trước đây, với 1ha đất trồng tiêu, nếu canh tác theo kiểu truyền thống tiền chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc BVTV hết 150 triệu đồng/ha/năm, với phương thức canh tác mới chi phí giảm còn 110-120 triệu đồng/ha. Năng suất, chất lượng hồ tiêu cũng tăng từ 20-30% so với trước. “Tham gia dự án này, điều chúng tôi yên tâm nhất là được DN bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hơn nữa, sức khỏe cũng được bảo đảm khi người nông dân không phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, BVTV, môi trường sống không bị ô nhiễm”, ông  Tuấn nói thêm.

HTX Nông nghiệp Lâm San, tỉnh Đồng Nai cũng là một trong những đơn vị liên kết nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh với khoảng 100 hộ. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX cho biết, khác với một số DN thu mua hồ tiêu khác, HTX không đặt ra một quy chuẩn cụ thể về quy trình sản xuất cho nông dân. Thay vào đó, HTX hướng dẫn họ kỹ càng về cách sử dụng thuốc BVTV phù hợp với điều kiện từng địa phương để đạt được tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính chấp nhận. Nhờ đó, nông dân vẫn chủ động được trong sản xuất, chất lượng hồ tiêu cao đủ để xuất khẩu. Hiện HTX đã xuất khẩu được khoảng 2.800-3.000 tấn/ năm. Giá hồ tiêu mua cho nông dân cũng cao hơn thông thường 7-10%. 

Những ví dụ trên cho thấy, việc liên kết sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng bền vững giữa các hộ nông dân với một số DN đã giúp hồ tiêu tại BR-VT có chất lượng tốt, từ đó có giá cao hơn so với một số địa phương khác. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 13.000ha tiêu, trong đó khoảng 10.000ha đang cho thu hoạch và khoảng 2.000ha thuộc các dự án liên kết với DN. Các mô hình này đã bước đầu đem lại hiệu quả cao, tăng năng suất, giá trị sản phẩm và nâng cao thương hiệu của hồ tiêu BR-VT trên thị trường trong nước và thế giới.

 Thu hoạch hồ tiêu tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức.
Thu hoạch hồ tiêu tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức.

ĐÃ LIÊN KẾT THÌ PHẢI LÂU DÀI, BÀI BẢN

Dù bước đầu đã có những mô hình đem lại hiệu quả tốt, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngành hồ tiêu tại tỉnh BR-VT nói riêng vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng đến việc phát triển bền vững. Trong đó, việc duy trì tính ổn định của các chuỗi liên kết cũng là một vấn đề được đặt ra. Thời gian gần đây giá hồ tiêu giảm khiến lợi nhuận không còn cao như trước. Do đó, không chỉ các hộ dân sản xuất thông thường mà kể cả người tham gia các chuỗi tiêu sạch cũng không còn mặn mà trong việc duy trì quy trình đạt chuẩn, điều này đe dọa tính bền vững của các chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu sạch. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết: “Với tư cách là DN thu mua hồ tiêu xuất khẩu, chúng tôi hy vọng bà con tiếp tục giữ vững quy trình sản xuất hữu cơ, cho ra sản phẩm sạch. Như vậy, ngành hồ tiêu của tỉnh mới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, bà con cũng không nên gom hàng khi giá xuống thấp vì như vậy sẽ gây khó cho DN và tăng rủi ro người dân”.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Ngọc Luân, nông dân trồng hồ tiêu cần cập nhật thêm nhiều kiến thức trong sản xuất để cho ra những sản phẩm tốt nhất. Ông Luân dẫn chứng: “Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã có hàng ngàn ha tiêu chết do các loại bệnh mà nguyên nhân chủ yếu là độc canh cây tiêu với mật độ trồng dày đặc. Do đó, bà con cần tuân thủ kỹ thuật về mật độ, độ cao cây và xen canh hồ tiêu với một số loại cây khác. Như vậy vừa có thêm nguồn thu và đảm bảo sự phát triển ổn định của cây. Bên cạnh đó, bà con cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường trước khi quyết định mở rộng diện tích sản xuất hay tăng mật độ trồng loại gia vị này”.  

Trong khi đó, theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex Group (DN xuất khẩu nông sản), cung vượt cầu vẫn là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu không hồi phục. Hiện có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi. Thời gian gần đây đã có nhiều DN nước ngoài vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu, điều này chứng tỏ ngành hồ tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn coi là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu nên họ đầu tư. Vì vậy, DN hồ tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để tăng đầu ra cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho hồ tiêu.

Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu tỉnh cho biết, hiện nay sản lượng hồ tiêu của BR-VT đã thuộc top 5 cả nước, lại được thị trường đánh giá cao về chất lượng nên giá loại nông sản này luôn cao hơn thông thường 2-3 ngàn đồng/kg. Dù vậy, không có DN trong tỉnh nào liên kết nông dân trong sản xuất hay thu mua, chế biến để xuất khẩu mà đều từ các tỉnh lân cận. Điều này khiến BR-VT mất đi một nguồn thu thuế đáng kể. Bên cạnh đó, giá tiêu nông dân bán được cũng giảm nhiều do DN phải trừ vào chi phí thu mua, vận chuyển. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có thêm nhiều biện pháp để thu hút các DN tới BR-VT xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm của nông dân sẽ có đầu ra ổn định, bà con yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.