Từ ngày 16-11 chuyển mạng giữ nguyên số: Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường viễn thông

Chủ Nhật, 11/11/2018, 17:18 [GMT+7]
In bài này
.

Theo kế hoạch từ ngày 16-11 tới đây, 3 nhà mạng di động có lượng thuê bao lớn nhất là VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ chính thức triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) cho khách hàng. Việc triển khai MNP dự báo sẽ mở ra cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng di động trong thời kỳ mạng di động đã bắt đầu bão hòa.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của MobiFone.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của MobiFone.

GMOBILE KHÔNG THAM GIA MNP

Chuyển mạng viễn thông di động giữ nguyên số là thủ tục cho phép các thuê bao di động có thể chuyển từ một DN cung cấp dịch vụ thông tin di động này sang một DN cung cấp dịch vụ thông tin di động khác và giữ nguyên số. Theo kế hoạch của Bộ TT-TT, kể từ ngày 16-11-2018 các nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone, Viettel sẽ triển khai dịch vụ MNP đối với thuê bao trả sau. 3 tháng sau sẽ áp dụng với toàn bộ thuê bao trả trước. Với Vietnamobile, dịch vụ này sẽ được triển khai từ ngày 1-1-2019. Gmobile là nhà mạng duy nhất không triển khai chuyển mạng giữ số. Theo đó, DN cung cấp dịch vụ viễn thông di động sẽ có trách nhiệm thống nhất, công bố niêm yết công khai, áp dụng chung mức cước và các điều khoản sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số.

Bà Trần Thị Ngát, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT BR-VT cho biết, từ đầu tháng 11, nhà mạng VinaPhone đã cơ bản hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm tính cước, kênh bán hàng, đào tạo đội ngũ… sẵn sàng phục vụ khách hàng thực hiện MNP. VinaPhone cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo MNP nội bộ nhằm hướng dẫn và cập nhật các quy trình về MNP của Bộ TT-TT, đảm bảo việc vận hành chuyển mạng được diễn ra thông suốt đến từng điểm cơ sở, giảm thiểu tối đa thời gian chuyển đổi mạng cho các khách hàng có nhu cầu. Ngoài việc hỗ trợ khách hàng đăng ký chuyển mạng tại các phòng giao dịch, VNPT - VinaPhone đã triển khai các tính năng tự chăm sóc cho dịch vụ này (Selfcare MNP); khách hàng cũng có thể đăng ký chuyển mạng với VNPT thông qua kênh website hoặc app di động.

Nhân viên VinaPhone BR-VT tư vấn cho khách hàng chọn sim số. Ảnh: QUANG VŨ
Nhân viên VinaPhone BR-VT tư vấn cho khách hàng chọn sim số.

Các nhà mạng Viettel, MobiFone cũng công bố đã sẵn sàng cho việc chuyển mạng giữ nguyên số. Tuy nhiên, đến ngày 8-11, vẫn chưa rõ mức phí sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số mà các nhà mạng sẽ áp dụng. Mức phí được các nhà mạng đề xuất tới cơ quan quản lý đang là 60.000 đồng/lượt chuyển mạng giữ số. Thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng phải đảm bảo hoàn tất các hợp đồng, cam kết và thanh lý hợp đồng với DN chuyển đi trong thời gian không quá 60 ngày kể từ thời điểm chuyển mạng thành công. Bên cạnh đó, thuê bao phải sử dụng dịch vụ của nhà mạng chuyển đi (nhà mạng cũ) ít nhất 90 ngày trước khi đăng ký chuyển mạng.

THÚC ĐẨY TÍNH CẠNH TRANH

Theo nhận định của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), việc triển khai dịch vụ MNP sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng và các DN di động. MNP là xu thế tất yếu, được thực thi với tốc độ ngày một nhanh, mạnh ở hầu khắp khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, chính sách MNP được đưa ra nhằm thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền lợi của người dùng để tránh tình trạng khách hàng bị “cầm tù” với một nhà mạng mà không chuyển sang mạng khác được chỉ vì số thuê bao. Điều này thúc đẩy các mạng luôn phải bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng ngay cả khi thị trường bão hòa. “Chúng tôi hy vọng rằng, chất lượng dịch vụ tốt, cộng với việc chăm sóc khách hàng tốt, thì chính sách MNP sẽ giúp DN chúng tôi thu hút được khách hàng từ các mạng di động khác chuyển sang sử dụng dịch vụ của MobiFone”, đại diện mạng di động MobiFone tin tưởng. 

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải, MNP là một công cụ được đánh giá là làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà mạng khi mà họ phải đưa ra các tiêu chuẩn, dịch vụ, khuyến mãi... thật hấp dẫn mới có thể thu hút được khách hàng. Đó là chưa kể đến việc nếu không duy trì được chất lượng, nhà mạng sẽ dần đánh mất khách hàng “thân thiết” của mình. Có thể nói thị trường hiện tại chỉ là cuộc cạnh tranh của 3 “ông lớn” là Viettel, VinaPhone và MobiPhone. Nhưng suy cho cùng, người dùng ít thấy sự khác biệt lớn giữa 3 nhà mạng này. Vậy nên việc chuyển đổi sẽ tạo được lợi thế cho các nhà mạng vừa mới “gia nhập” thị trường. Điều này cũng mang đến các công cụ điều tiết thị trường tốt hơn cho các cấp quản lý. Các nhà mạng thì có điểm lợi là nếu chăm sóc khách hàng tốt thì sẽ chiếm lĩnh được thị phần nhiều hơn, một điều mà lúc trước rất khó để thực hiện.

Trong khi đó, theo khảo sát thì người dùng di động đang có nhiều băn khoăn liên quan đến chính sách MNP. Chị Phạm Thị Lan (phường Phước Hiệp, TP. Bà Ria) cho biết, hiện tại chị đang sử dụng 3 sim, mỗi sim dùng cho một mục đích như liên lạc người thân, bạn bè và công việc nên không có ý định chuyển đổi mạng vì sợ bất tiện. Nếu quy trình đơn giản, thuận tiện và giá phù hợp thì mới tạo động lực cho người dân chuyển đổi, tạo ra sự hấp dẫn đối với cả giới kinh doanh và người dân, từ đó mới thúc đẩy cho thị trường sim số, cạnh tranh giữa các nhà mạng. Còn ngược lại, quy trình và giá cước chuyển đổi cao sẽ không đủ sức hấp dẫn người dùng dịch vụ”, chị Lan nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
  • Kết quả SXMT nhanh nhất
.