Thực hiện đề án giảm nghèo bền vững - nhiều vấn đề đặt ra - Bài 3: Giải pháp nào để hộ nghèo thoát nghèo bền vững?

Thứ Ba, 20/11/2018, 15:51 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, việc thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đã đi được 1/2 chặng đường. Để hoàn thành được mục tiêu mà Đề án đề ra, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Thành viên đoàn giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh khảo sát đời sống gia đình bà Thạch Thị Giang (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) - hộ vừa thoát nghèo cuối năm 2017.
Thành viên đoàn giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh khảo sát đời sống gia đình bà Thạch Thị Giang (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) - hộ vừa thoát nghèo cuối năm 2017.

THAY ĐỔI NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI NGHÈO

Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn huyện có nhiều hộ nghèo chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây chính là rào cản lớn nhất trong công tác giảm nghèo của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND huyện Châu Đức tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương, chính sách đối với chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung nâng cao ý thức cho hộ nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước và xã hội.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho rằng: Chính quyền cấp xã là chính quyền cơ sở, gần gũi với dân nhất. Do đó chính quyền cấp xã phải có trách nhiệm nắm bắt các thông tin về hoàn cảnh của các hộ nghèo. Từ đó, chính quyền cấp xã phân công cán bộ chịu trách nhiệm giúp hộ nghèo, cụ thể: Thường xuyên tuyên truyền, động viên các hộ nghèo về ý chí tự chủ, tự vươn lên thoát nghèo; quan tâm hướng dẫn hộ nghèo lựa chọn hình thức, mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của hộ; phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng hướng dẫn hỗ trợ cho người nghèo về kiến thức, kỹ thuật xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý. “Thực tế đã khẳng định, chỉ có thoát nghèo bằng mồ hôi nước mắt mới bền vững”-ông Huỳnh Văn Hồng nhấn mạnh.

THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Về công tác dạy nghề cho người nghèo như mục tiêu Đề án đề ra là trung bình mỗi năm phải đào tạo cho 400 người, ông Phạm Hòa, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, nên căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu học nghề của người nghèo để chọn đào tạo những nghề phù hợp. Sau khi học xong, người nghèo có việc làm ngay, không nhất thiết phải đào tạo nghề “chạy” theo chỉ tiêu để giải ngân vốn. Ông Phạm Hòa đề xuất, cần đào tạo nghề có địa chỉ, gắn với nhu cầu lao động của địa phương. Điều này không chỉ giúp công tác dạy nghề hiệu quả mà còn giúp người nghèo và các DN tuyển được lao động như mong muốn.

Đồng chí Bùi Thanh Nghĩa, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh (bìa phải) và đại diện Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 trao quyết định tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại TX. Phú Mỹ.
Đồng chí Bùi Thanh Nghĩa, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh (bìa phải) và đại diện Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 trao quyết định tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại TX. Phú Mỹ.

Trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, NHCSXH tỉnh có vai trò rất lớn. Theo cam kết của NHCSXH tỉnh, ngân hàng bảo đảm bố trí đầy đủ nguồn vốn cho các hộ nghèo được vay để phát triển kinh tế, Tuy nhiên, để ngăn chặn các trường hợp vay không đúng đối tượng, NHCSXH tỉnh cần tăng cường kiểm tra, rà soát chặt chẽ các đối tượng được vay, cương quyết không cho vay sai đối tượng. Theo chỉ tiêu, từ năm 2018-2020, NHCSXH tỉnh sẽ giải quyết cho vay vốn phát triển sản xuất cho khoảng 14.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

 

ÔNG NGUYỄN THANH TỊNH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH:
Không được bỏ sót đối tượng, sai đối tượng được hỗ trợ
Để thực hiện hiệu quả Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần chủ động trong công tác triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Các địa phương phải nắm rõ thực trạng, tình hình hộ nghèo của địa bàn để có kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể. Mặt khác cần quan tâm đến công tác đào tạo, dạy nghề và định hướng việc làm cho hộ nghèo, nên đào tạo những nghề phù hợp với địa phương, không đào tạo theo số lượng. 
Đối với những trường hợp vay vốn không có trong danh sách hộ nghèo, NHCSXH tỉnh cần rà soát lại quy trình xác nhận vay vốn đối với các hộ nghèo để cho vay đúng đối tượng; rà soát và giải quyết dứt điểm những trường hợp vay vốn không đúng đối tượng; giữa các cấp, các ngành cũng cần tăng cường công tác phối hợp trong việc thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, không được bỏ sót đối tượng, sai đối tượng, không có sự trùng lắp trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

Song song với việc thực hiện các chính sách trên, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cần phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể thẩm định, xét cho vay hộ nghèo, phân công hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, giám sát việc sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Xét bồi vốn cho hộ nghèo sử dụng vốn vay làm ăn có hiệu quả; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, điện, nước... đối với hộ nghèo, hộ thoát nghèo theo quy định.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM BAN CHỈ ĐẠO GIẢM NGHÈO CÁC CẤP

Tại Phiên họp thứ 18 Thường trực HĐND tỉnh vào ngày 12-11 vừa qua, Ban Văn hóa –Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan rà soát lại một cách tổng thể các chương trình lồng ghép, phối hợp hiệu quả đối với các dự án, chương trình mục tiêu, các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, chỉ đạo việc quy hoạch, kế hoạch tạo quỹ đất hỗ trợ hộ nghèo thật sự khó khăn về đất xây nhà; rà soát tổng thể đất ở hiện tại của các hộ nghèo. Từ đó đề xuất giải pháp cho việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo đã có đất nhưng chưa được hợp pháp hóa như đất nằm trong vùng quy hoạch, đất nông nghiệp, đất mua bằng giấy tay. 

Theo mục tiêu của Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thì phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân. Bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, 100% lao động nghèo có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề. Tổng nguồn vốn bố trí để triển khai thực hiện cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 hơn 1.423 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm, vai trò của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, rà soát để phân công hợp lý trách nhiệm của cơ quan Thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình, lấy tiêu chí thực hiện Chương trình Đề án giảm nghèo bền vững làm cơ sở đánh giá, bình xét thi đua hàng năm của tất cả các cấp, các ngành liên quan.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG- TƯỜNG NGÂN

-------------------------------------

Bài 1: Sử dụng vốn vay không đạt hiệu quả

Bài 2: Khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ

 

;
.