Tăng mức phạt vi phạm về kinh doanh đa cấp

Chủ Nhật, 11/11/2018, 17:34 [GMT+7]
In bài này
.

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (KDĐC) thời gian qua diễn biến phức tạp. Nhằm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và ngăn ngừa, xử lý các hành vi sai trái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chế tài mạnh hơn đối với việc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động KDĐC.

MỘT SỐ VỤ VI PHẠM

Trong tháng 9 vừa qua, Thanh tra Sở Công thương đã xử phạt hành chính đối với Công ty CP Truyền thông y dược Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính: 23B, ngõ 81, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) số tiền 80 triệu đồng về các hành vi tổ chức hoạt động bán hàng tại tỉnh BR-VT khi chưa có xác nhận bằng văn bản của Sở Công thương về việc tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng theo phương thức KDĐC; không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động KDĐC với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Công ty này không có trụ sở, văn phòng đại diện tại BR-VT mà thông qua một cá nhân cư trú tại địa phương, vừa là đào tạo viên vừa là người đại diện DN để làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước và kết nối với những người tham gia KDĐC. Sản phẩm hàng hóa được phân phối chủ yếu là thực phẩm chức năng có xuất xứ tại Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 DN đang hoạt động KDĐC. Theo các cơ quan chức năng, hoạt động KDĐC tại tỉnh BR-VT thời gian qua diễn biến ít phức tạp hơn so với các địa phương khác, nhưng các vụ vi phạm trong hoạt động KDĐC biến thành vụ án hình sự gây hậu quả lớn cũng đã xảy ra.

Cụ thể, Công ty CP Tư vấn đầu tư Sao Vàng và Công ty CP Dịch vụ SVS (địa chỉ tại số 257 Bacu, phường 4, TP. Vũng Tàu) đều do bà Huỳnh Thị Ngân Trang (35 tuổi, ngụ quận 11, TP. Hồ Chí Minh) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc kêu gọi người dân góp vốn đầu tư kinh doanh với hàng loạt dự án “ma” về giáo dục, xây dựng, bất động sản, kinh doanh vàng, kinh doanh nông sản... để được hưởng lãi suất “khủng” từ 1,7 - 2%/tháng. Ngoài ra, người tham gia trước giới thiệu người sau tham gia góp vốn sẽ được thưởng hoa hồng giới thiệu khách hàng mới tăng dần theo hình thức KDĐC. Với lãi suất tiền gửi và hoa hồng giới thiệu hấp dẫn như vậy, có khách hàng gửi vài trăm triệu đồng, nhưng cũng có người tham gia góp vốn đến mấy tỷ đồng. Khi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty này vào tháng 2-2018, đã có khoảng 1.000 người ở BR-VT và một số tỉnh, thành phố khác liên quan đến vụ án, số tiền 2 công ty này không còn khả năng chi trả cho khách hàng cổ đông khoảng 700 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, hàng trăm khách hàng vây kín Công ty CP Tư vấn đầu tư Sao Vàng sau khi biết bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc góp vốn hưởng lãi suất cao, nhận hoa hồng giới thiệu khách hàng tăng dần theo hình thức KDĐC.
Cuối năm 2017, hàng trăm khách hàng vây kín Công ty CP Tư vấn đầu tư Sao Vàng sau khi biết bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc góp vốn hưởng lãi suất cao, nhận hoa hồng giới thiệu khách hàng tăng dần theo hình thức KDĐC.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, do hoạt động KDĐC được thực hiện bởi số lượng người tham gia đông theo nhiều cấp, nhiều nhánh, rất khó kiểm soát thông tin, nên khi xảy ra việc lừa đảo trên loại hình KDĐC thì sẽ liên quan đến rất nhiều người, giá trị tài sản bị lừa đảo cũng rất lớn, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các hình thức vi phạm của DN, tư vấn viên KDĐC phổ biến như tư vấn sai, mập mờ, không rõ ràng để người dân không hiểu hết bản chất và tự nguyện tham gia vào hệ thống. Thực tế cho thấy, KDĐC chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, thiết bị y tế, thể thao…

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các nhóm mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử, đồ gia dụng… thu giữ qua kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng đa cấp trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các nhóm mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử, đồ gia dụng… thu giữ qua kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng đa cấp trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

TĂNG MỨC XỬ PHẠT

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, mức phạt tiền đối với người tham gia bán hàng đa cấp (BHĐC) vi phạm bị xử phạt từ 500 ngàn đồng tới 20 triệu đồng; thương nhân (chủ DN) vi phạm trong hoạt động BHĐC bị xử phạt từ 20 - 50 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe.

Nhằm tăng sức ngăn ngừa, xử lý nghiêm khắc hơn các hành vi vi phạm hành chính trong KDĐC gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, tổ chức và cá nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày từ ngày 25-11-2018 với các mức xử phạt bằng tiền cao hơn trước đây đối với các hành vi vi phạm.

Cụ thể như, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP quy định xử phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với người tham gia BHĐC yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC (Nghị định số 124/2015/NĐ-CP chỉ xử phạt từ 3-5 triệu đồng); Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia BHĐC, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp BHĐC (Nghị định số 124/2015/NĐ-CP chỉ xử phạt từ 1-3 triệu đồng).

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC (Nghị định số 124/2015/NĐ-CP không có quy định xử phạt đối với cá nhân thực hiện các hành vi này).

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với thương nhân có hành vi tổ chức hoạt động BHĐC tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi chưa có xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC bằng văn bản của Sở Công thương, thành phố trực thuộc Trung ương đó (Nghị định số 124/2015/NĐ-CP xử phạt từ 20-30 triệu đồng)…

Nghị định số 141/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về một số hành vi vi phạm đối với thương nhân với mức xử phạt từ 40-50 triệu đồng như: Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia BHĐC, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số BHĐC hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia BHĐC; Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác; Kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng;… Đáng chú ý, mức phạt tiền sẽ tăng gấp 2 lần (80-100 triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm này được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tổ chức các lực lượng tăng cường kiểm tra hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Nghị định số 141/2018/NĐ-CP “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” cho các DN, tổ chức, cá nhân và đơn vị có liên quan để biết, thực hiện.

(Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương)


KDĐC là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Những hàng hóa sau không được KDĐC, gồm: thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm. Sản phẩm nội dung thông tin số.

(Trích Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp; có hiệu lực thi hành
từ ngày 2-5-2018)

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.