Phòng chống buôn bán trái phép xăng dầu trên biển

Thứ Tư, 07/11/2018, 16:43 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, tình trạng mua bán, vận chuyển xăng, dầu trái phép trên biển vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Việc này gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh trên biển, trật tự kinh doanh xăng, dầu nội địa. Do vậy, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường phòng, chống buôn bán xăng dầu trái phép trên biển.

BẮT GIỮ NHIỀU VỤ VI PHẠM 

Với hàng ngàn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày cùng nhiều hoạt động kinh tế sôi động, vùng biển BR-VT luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nạn mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu. Trước tình hình này, các lực lượng chức năng của tỉnh và Trung ương đứng chân trên địa bàn đã tăng cường nắm tình hình, kiểm soát địa bàn, xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn bán xăng dầu trái phép trên biển. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ buôn bán xăng dầu trái phép trên vùng biển BR-VT.

Là một trong những lực lượng chủ chốt chịu trách nhiệm thực thi pháp luật trên biển, từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng quân tại TP.Vũng Tàu) đã bắt giữ, xử lý 10 tàu mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, tịch thu hơn 819 ngàn lít xăng và hơn 504 ngàn lít dầu DO. Trong đó, có nhiều vụ buôn bán xăng dầu với số lượng lớn. Cụ thể, đêm 26-9, sau nhiều ngày theo dõi, tại vùng biển cách huyện Côn Đảo khoảng 30 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ tàu BV 6766 TS do ông Nguyễn Văn Giúp (SN 1960, ngụ tại tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 30 ngàn lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Trước đó, ngày 18-5, tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 84 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển cũng bắt giữ tàu BV 96888 TS do ông Võ Hữu Lộc (trú tại phường 11, TP.Vũng Tàu) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 100 ngàn lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số dầu này.

Cảnh sát biển kiểm tra số dầu DO mà tàu BV 6766 TS vận chuyển trái phép trên biển, bị bắt giữ vào cuối tháng 9-2018.
Cảnh sát biển kiểm tra số dầu DO mà tàu BV 6766 TS vận chuyển trái phép trên biển, bị bắt giữ vào cuối tháng 9-2018.

Tương tự, từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh BR-VT cũng đã bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, tịch thu hơn 110 ngàn lít dầu DO. Đơn cử như, khuya 16-5, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm - BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng Côn Đảo phát hiện tàu cá BT 99879 TS đang sang mạn trái phép dầu DO cho tàu cá BT 95552 TS. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Biên phòng phát hiện trên tàu cá BT 99879 TS có 28 ngàn lít dầu DO, còn tàu BT 95552 TS có 16 ngàn lít dầu DO. Thuyền trưởng cả 2 tàu đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu nêu trên.

THỦ ĐOẠN TINH VI

Theo cơ quan chức năng, nhằm “qua mặt” lực lượng thực thi pháp luật, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã cải hoán tàu cá có công suất lớn để phục vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu. Đối tượng thường xuyên thay đổi tên, số hiệu phương tiện, thậm chí sử dụng biển số giả của nước ngoài để hoạt động buôn lậu. Một số tàu dịch vụ dầu khí, tàu vận tải biển trong quá trình hoạt động trên biển có dôi dư dầu chạy máy đã bán lại cho các tàu cá mà không có hóa đơn, chứng từ.

Đáng chú ý, trước mỗi chuyến biển, một số ngư dân chỉ mua một lượng nhỏ dầu trong bờ có hóa đơn hợp pháp, sau đó ra khơi thì mua dầu bán trái phép từ các tàu nước ngoài, tàu Việt Nam. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, ngư dân xuất trình hóa đơn ban đầu để hợp thức hóa. “Thực tế cho thấy, có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ thường chỉ mua khoảng 1 ngàn lít dầu trước xuất bến, sau đó ra vùng biển giáp ranh mua dầu từ các tàu nước ngoài có giá rẻ hơn để giảm chi phí”, ông Nguyễn Văn D., chủ tàu cá ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền tiết lộ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ một tàu không mang biển số vận chuyển khoảng 10 ngàn lít dầu DO trái phép vào tháng 4-2018.
Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ một tàu không mang biển số vận chuyển khoảng 10 ngàn lít dầu DO trái phép vào tháng 4-2018.

Một lãnh đạo BĐBP tỉnh cho hay, gần đây xuất hiện một thủ đoạn rất tinh vi nữa để buôn bán trái phép xăng dầu. Đó là lợi dụng “mác” tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để mua xăng dầu không rõ nguồn gốc trên biển, sau đó bán lại cho các tàu khác nhưng không xuất hóa đơn nhằm trốn thuế. Điển hình, ngày 3-3-2018, tại vùng biển phía Nam, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ tàu BV 96868 TS (là phương tiện đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, do ông Đỗ Hoa, trú tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền làm chủ) đang vận chuyển khoảng 300 ngàn lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Thuyền trưởng tàu BV 96868 TS khai báo, số dầu này được mua từ tàu nước ngoài trên vùng biển giáp ranh với Việt Nam, sau đó bán lại cho tàu cá trong nước.

Lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra số dầu DO mà tàu BV 96888 TS vận chuyển trái phép trên biển, bị phát hiện, bắt giữ vào tháng 5-2018.    Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra số dầu DO mà tàu BV 96888 TS vận chuyển trái phép trên biển, bị phát hiện, bắt giữ vào tháng 5-2018.

TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG MUA BÁN XĂNG DẦU TRÁI PHÉP

Nhằm tăng cường phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, Thiếu tá Trần Minh Hải, Phó Phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục bố trí các tàu Cảnh sát biển thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là vùng biển tiếp giáp với nước ngoài để kịp thời phát hiện các tàu chở dầu trái phép từ nước ngoài sang vùng biển nước ta. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát biển tăng cường điều tra, lập hồ sơ theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng nghi vấn buôn lậu xăng dầu để kịp thời đấu tranh ngăn chặn hành vi trái pháp luật. Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin với lực lượng BĐBP, Hải quan nhằm nắm bắt tình hình buôn lậu trên biển để hiệp đồng ngăn chặn, xử lý; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà tham gia mua bán, vận chuyển xăng, dầu trái phép trên biển, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự kinh doanh xăng dầu nội địa. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.