Phát triển đô thị biển bền vững và có bản sắc

Thứ Sáu, 02/11/2018, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 2-11, tại TP.Vũng Tàu, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tìm kiếm mô hình và giải pháp theo quan điểm bền vững để khả thi hóa tiềm năng của các đô thị ven biển”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT; Hoàng Hải, Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Xây dựng và các đại biểu, chuyên gia trong nước, quốc tế. 

Bãi Trước, TP.Vũng Tàu.  Ảnh: THÀNH HUY
Bãi Trước, TP.Vũng Tàu.  Ảnh: THÀNH HUY

Nhiều nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị biển

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Việt Nam có lợi thế về vị trí lãnh thổ và các điều kiện tự nhiên thuận lợi, với vùng đặc quyền kinh tế biển rộng khoảng 1 triệu km2 và gần 3.260km bờ biển, hơn 100.000ha đầm phá và vịnh kín, 290.000ha bãi triều, rừng ngập mặn và hơn 100 cửa sông. Biển, sông ngòi, kênh rạch tạo thành hệ thống giao thông thuỷ liên hoàn với các hệ sinh thái phong phú. Ven biển là vùng thuận lợi cho việc định cư và phát triển kinh tế - xã hội… Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: Suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên quá mức, gia tăng dân số đói nghèo. 

Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, công tác quy hoạch các đô thị biển ở nước ta cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bờ biển bị “bao vây” bởi các resort, khách sạn, nhà cao tầng. Ngoài ra, ngày càng có nhiều loại chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ trực tiếp ra biển. Việc khai thác, sử dụng đất tại các lưu vực đầu nguồn sông, các vùng ven biển và khai thác kinh tế biển chưa có quy hoạch hợp lý, làm giảm diện tích các khu dự trữ sinh học ven biển, biến đổi chất lượng môi trường nước và đáy biển ven bờ. 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh BR-VT cho biết, hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ven biển trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một số bất cập, hạn chế. Ví dụ như tại TP.Vũng Tàu, quy hoạch chung TP.Vũng Tàu được phê duyệt năm 2005 chưa có quy định cụ thể về không gian, chiều cao, quy hoạch sử dụng đất không phù hợp với thực tế. 

Đô thị biển không nhất thiết phải là đô thị du lịch

Ông Mauro Gasparotti, Tập đoàn Savills châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, về lâu dài, Việt Nam không thể áp dụng cứng nhắc quy hoạch của một thành phố biển nổi tiếng nào trên thế giới vào Việt Nam. Việc áp dụng phải hết sức thận trọng và có chọn lọc. Không gian đô thị biển Việt Nam mỗi vùng đều có bản sắc riêng, văn hóa riêng.

Ở góc độ cơ quan quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam cho rằng, các đô thị ven biển cần được quy hoạch, quản lý phù hợp, tránh suy thoái môi trường, tàn phá thiên nhiên. Mỗi đô thị ven biển cần có chiến lược phát triển riêng. Đô thị biển không nhất thiết phải là đô thị du lịch, mà còn có thể phát triển với các chức năng chủ đạo khác đem lại bản sắc khác biệt như: đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị đại học, đô thị kinh tế - tài chính, đô thị ngư nghiệp, đô thị cảng biển, đô thị giao thương quốc tế… Các đô thị biển này có thể tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển. 

Các chuyên gia cho rằng, khi tiến hành cải tạo và phát triển các đô thị biển tại Việt Nam, cần tránh xu hướng lạm dụng phát triển mặt tiền biển làm tổn hại cơ hội phát triển của khu vực nằm phía sau sâu hơn trong đất liền. Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng phát triển các dự án du lịch nối liền nhau nhiều km, biến bãi biển thành tài sản tư, ngăn chặn cơ hội tự do tiếp cận bãi biển của cư dân ở các khu đất lân cận nằm sâu hơn trong đất liền.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: THÀNH HUY
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT cho biết, 5 mũi nhọn kinh tế mà tỉnh BR-VT đang tập trung phát triển gồm: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, kinh tế biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của địa phương nên cần được kiểm soát, phát triển một cách vững chắc. Những năm gần đây, tỉnh BR-VT đã kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sẵn sàng từ chối các dự án hàng tỷ USD nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, xâm hại môi trường. Kinh tế BR-VT chỉ có thể phát triển vững chắc trong mối quan hệ liên kết vùng. Do đó, cần phát huy được lợi thế so sánh của từng tỉnh, từng vùng đất thì mới đem lại lợi ích cho quốc gia. Nếu như vùng Đông Nam bộ, Nam bộ không phát huy được lợi thế so sánh thì rất lãng phí trong đầu tư. Để khả thi hóa tiềm năng của các đô thị ven biển, quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần phải quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các vùng ven biển, vùng kinh tế biển một cách bền vững.

QUANG VŨ - THANH TRÍ

;
.