Ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Thứ Hai, 05/11/2018, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, hiện nay, tỉnh BR-VT đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như: Di dời cơ sở sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn các hồ chứa nước; cắm mốc lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước… 

NGĂN NGỪA, XỬ LÝ KỊP THỜI CÁC NGUY CƠ

Trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Út (thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cách suối Chích khoảng 300m, đây là một trong những nhánh suối dẫn về hồ Đá Đen. Hiện nay, trang trại của ông Út Văn đang nuôi 150 con heo nái và 1.500 con heo thịt. Mỗi ngày, trang trại phát sinh khoảng 30m3 nước thải. Mặc dù đã đầu tư hầm biogas xử lý nước thải với công suất 3.000m3 nhưng trang trại chăn nuôi của ông Út vẫn được các cơ quan chức năng đưa vào diện phải giám sát chặt chẽ trong hoạt động sản xuất. Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, nước thải từ hoạt động chăn nuôi của trang trại này đã được thu gom, xử lý theo quy định, tuy nhiên do quy mô chăn nuôi lớn, nếu xảy ra sự cố về môi trường thì nước thải từ trang trại có thể chảy ra suối Chích. Do đó, Phòng TN-MT huyện đã khoanh vùng trang trại này nhằm kiểm soát nghiêm ngặt. Ngoài ra, Phòng TN-MT huyện Châu Đức đã yêu cầu 18 cơ sở chăn nuôi khác di dời ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

Nhằm bảo vệ nguồn nước hồ Đá Đen, cơ quan chức năng huyện Châu Đức đã khoanh vùng trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Út (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) để giám sát nghiêm ngặt.
Nhằm bảo vệ nguồn nước hồ Đá Đen, cơ quan chức năng huyện Châu Đức đã khoanh vùng trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Út (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) để giám sát nghiêm ngặt.

Cùng với huyện Châu Đức, hiện nay, huyện Xuyên Mộc và TX.Phú Mỹ cũng tiến hành rà soát các cơ sở chăn nuôi nằm ở đầu nguồn các hồ chứa nước: Sông Ray, Sông Hỏa, Châu Pha… Nếu cơ sở chăn nuôi nào xâm phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, địa phương sẽ yêu cầu cơ sở đó đóng cửa hoặc di dời đi nơi khác. 

Trước đó, nhằm bảo vệ nguồn nước hồ Đá Đen (dung tích 34 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân sinh sống trên địa tỉnh BR-VT), năm 2016, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam di dời xưởng nhuộm ra khỏi khu vực thượng nguồn hồ Đá Đen. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nhằm ngăn ngừa nước thải từ khu xử lý rác này đổ về hồ Đá Đen. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, rà soát ĐTM của dự án Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước; không cho phép dự án hoạt động chôn lấp các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại và phải khẩn trương đầu tư lò đốt, chấm dứt việc chôn lấp… để tránh xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hồ Đá Đen.

Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ nên nguồn cấp nước sinh hoạt của tỉnh vẫn được bảo đảm. 

Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa nước thải từ Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đổ về hồ Đá Đen.  Trong ảnh: Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước vào giờ cao điểm.
Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa nước thải từ Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đổ về hồ Đá Đen.
Trong ảnh: Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước vào giờ cao điểm.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Vừa qua, Sở TN-MT đã công bố và lập hành lang bảo vệ sự ổn định của bờ, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước tại 72 điểm. Trong đó, TX.Phú Mỹ là địa phương có nhiều điểm cần lập hành lang bảo vệ nguồn nước nhất (22 điểm), với nhiều khu vực quan trọng như: Hồ Đá Đen, sông Thị Vải, hồ Suối Nhum, hồ Châu Pha, suối Rạch Ván, đập Ông Trịnh. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, hạn chế các nguồn ô nhiễm xâm nhập vào tầng nước ngầm, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành trám, lấp các giếng khoan hư hỏng; xây dựng kế hoạch thu gom và xử lý rác thải tại nguồn; vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước bằng những việc làm cụ thể, không xả bừa bãi thải ra môi trường, không xâm phạm hành lang bảo vệ nguồn nước...

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, để bảo đảm an toàn nguồn cấp nước sinh hoạt của địa phương theo hướng bền vững, Sở TN-MT đã có Tờ trình trình UBND tỉnh danh mục 28 dự án không thu hút và hạn chế thu hút đầu tư tại khu vực khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đó là những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản; nhuộm, thuộc da; sản xuất thép; sản xuất giấy; chế biến thủy, hải sản…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 hồ nước mặt, trong đó có 8 hồ cấp nước sinh hoạt, tổng trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 45 triệu m3. Trong số các hồ lớn, hồ Sông Ray có dung tích 130-140 triệu m3, cung cấp 400-600 ngàn m3/ngày đêm; hồ Châu Pha có khả năng cung cấp 15.000 m3/ngày đêm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.