Khắc phục "thẻ vàng" thủy sản của EC: Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm

Thứ Hai, 12/11/2018, 16:55 [GMT+7]
In bài này
.

Dự kiến, tháng 1-2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thời điểm này, cùng với các địa phương khác trên cả nước, cơ quan chức năng tỉnh BR-VT đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC, trong đó sẽ cương quyết xử lý nghiêm những tàu cá vi phạm.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Cán bộ Đồn Biên phòng Bến Đá (TP.Vũng Tàu) và cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành đúng quy định khi đánh bắt trên biển.
Cán bộ Đồn Biên phòng Bến Đá (TP.Vũng Tàu) và cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành đúng quy định khi đánh bắt trên biển.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, để chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), một trong những giải pháp quan trọng là kiểm tra, kiểm soát tất cả các tàu cá đang hoạt động. Theo đó, từ giữa tháng 3-2018, Sở NN-PTNT đã quyết định thành lập 6 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá: Bến Đá, Cát Lở (TP.Vũng Tàu), Tân Phước, Hưng Thái (huyện Long Điền), Lộc An (huyện Đất Đỏ) và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Thành viên của Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá gồm có: Ban Quản lý cảng cá, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ khi đi vào hoạt động đến nay, các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề đã tiến hành kiểm tra hơn 4.500 lượt phương tiện ra, vào cảng. Cùng với việc tăng cường kiểm tra tàu cá tại cảng, ngành thủy sản tỉnh còn đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức 25 đoàn kiểm tra, kiểm soát 362 tàu cá hoạt động trên biển và 152 cơ sở thu gom, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện 79 trường hợp vi phạm, đã ra quyết định phạt hành chính 79 trường hợp, với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.

“CẤM BIỂN” TÀU CÁ VI PHẠM

Việc đánh bắt của các tàu cá sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Trong ảnh: Thu mua, phân loại cá tại cảng cá phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu).
Việc đánh bắt của các tàu cá sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Trong ảnh: Thu mua, phân loại cá tại cảng cá phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu).

Đặc biệt, với những tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngành thủy sản tỉnh kiên quyết rút giấy phép khai thác hải sản đối với tàu cá đó, đồng thời không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm. Riêng đối với những tàu cá từng vi phạm vùng đánh bắt trước đây, ngành thủy sản yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng phải cung cấp đầy đủ giấy tờ, sổ nhật ký và các hồ sơ theo quy định, nếu không sẽ bị “cấm biển”.

Cùng với đó, cơ quan chức năng bắt buộc các chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định, trong đó phải cập nhật đầy đủ thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, tên và trọng lượng loại hải sản đánh bắt… Ngành thủy sản sẽ không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với những tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền quy định về khai thác hải sản cho ngư dân. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền quy định về khai thác hải sản cho ngư dân. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, công tác khắc phục “thẻ vàng” của EC đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận ngư dân vẫn chưa chấp hành tốt các quy định khi khai thác thủy sản trên biển. Do vậy, thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền trực tiếp tại cảng cá, bến cá với ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng; dán tờ rơi tuyên truyền nội dung chống khai thác bất hợp pháp lên cabin tàu.

Ông Trương Văn Sanh, Phó Giám đốc cảng cá Cát Lở, Trưởng Văn phòng đại diện kiểm soát nghề số 1 (tại cảng Cát Lở) cho biết, hiện nay, các cán bộ của Văn phòng đại điện kiểm soát nghề số 1 đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ghi chép thông tin đầy đủ, đúng yêu cầu trước khi xuất bến và khi đánh bắt trở về. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thuyền trưởng, chủ tàu, cảng cá, DN chế biến thủy sản trong việc chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của EC.

Bên cạnh tuyên truyền, Sở NN-PTNT cũng đang xây dựng Đề án và lộ trình chuyển đổi nghề tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ. Dự kiến, Đề án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và bắt đầu triển khai từ năm 2019, hướng tới chấm dứt loại hình tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để xúc tiến đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang khai thác hợp pháp tại vùng biển các nước theo đề án của Bộ NN-PTNT về phát triển nghề khai thác viễn dương.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

 

;
.