Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nâng cao năng suất lao động

Thứ Ba, 02/10/2018, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, để tồn tại và phát triển, nhiều DN tại BR-VT đã áp dụng KHKT, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất lao động (NSLĐ).

Công ty CP liên hiệp Mê Kông sử dụng máy kéo cáp để nâng cao NSLĐ.
Công ty CP liên hiệp Mê Kông sử dụng máy kéo cáp để nâng cao NSLĐ.

Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam - VFM (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ), là một DN chuyên sản xuất bột mì, mì sợi cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Với công suất rất lớn (khoảng 1.000 tấn lúa mì/ngày) của nhà máy, nếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công thì phải mất khoảng 2.000 lao động mới có thể đáp ứng được công việc. Theo lãnh đạo công ty, để tăng năng suất, giảm công lao động, VFM đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo mô hình tự động hóa. Dây chuyền sản xuất của VFM được nhập khẩu từ Thụy Sĩ, là một chuỗi khép kín từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến ra thành phẩm, không phát sinh nước thải, bụi. Hệ thống sản xuất của VFM đạt tiêu chuẩn ISO 9001:14001; FSSC 22000 (chứng nhận của Hiệp hội Chứng nhận an toàn thực phẩm) và HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Nhờ đó, VFM hiện chỉ cần sử dụng 180 lao động mà vẫn bảo đảm năng suất.

Được thành lập từ năm 2002, Công ty TNHH Thảo Nguyên (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) là một trong những DN hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến và kinh doanh nhân điều. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, với năng suất sản xuất 5.500 tấn nhân điều/năm; 45.000 tấn dầu điều, cardanol/năm và kinh doanh nông sản khác 50.000 tấn/năm, những năm đầu mới thành lập, công ty phải sử dụng 1.000 lao động. Nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào lao động và để tăng NSLĐ, từ năm 2011, Công ty TNHH Thảo Nguyên đã đầu tư các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất kinh doanh như thiết bị hấp, sấy; máy cắt tách; máy bóc vỏ lụa; máy phân cỡ; máy bắn màu; máy rà kim loại trong dây chuyền chế biến nhân điều. Ngoài ra, công ty còn đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền thiết bị sản xuất dầu điều, công nghệ chưng cất dầu cardanol đầu tiên của Việt Nam với hệ thống bồn chứa, đội xe chuyên dùng… Nhờ áp dụng các giải pháp KH-CN, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nên hiện nay công ty chỉ còn khoảng 200 lao động.

Trong khi đó, tại Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (đường số 12, KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), ngoài việc ứng dụng KH-CN để nâng cao NSLĐ công ty còn áp dụng biện pháp lương khoán theo sản phẩm. Ông Đào Xuân Bắc, Giám đốc Công ty cho biết, xưởng cáp của công ty được khoán mức lương 96 triệu đồng. Trước đây, xưởng phải sử dụng 15 lao động để làm việc nên mức lương trung bình của mỗi người chỉ 6,4 triệu đồng. Nhưng vài năm gần đây, công ty giao khoán lương cho xưởng cáp. Khi áp dụng phương pháp khoán, công nhân làm việc chăm chỉ hơn, năng suất cao hơn. Cũng với mức chi trả đó, nhưng chỉ có 12 người làm việc thì tiền lương hàng tháng của mỗi công nhân tăng lên khoảng 8 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, công ty còn tham gia các chương trình “Hỗ trợ DNVVN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”; dự án “Phát triển nguồn nhân lực cho các định chế hỗ trợ DNVVN tỉnh BR-VT” do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ kinh phí. Với những cách làm này, riêng 6 tháng đầu năm 2018, mức tăng trưởng của công ty đã đạt 47,29% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến năm 2018, doanh thu công ty tăng 15-20%. Thu nhập của người lao động cũng tăng từ 15-20%. 

Tại hội thảo bàn về giải pháp phát triển DN tại BR-VT được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để cải thiện năng suất, các DN cần tập trung đầu tư vào ba yếu tố: Vốn, KH-CN và con người. Trong đó, quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo đảm bắt kịp các nước đã phát triển thì các DN cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển KH-CN, kỹ thuật. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, cần cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH-CN của Nhà nước. Cụ thể, phải bảo đảm hiệu quả thực thi từ khi ban hành chính sách đến người thực hiện xét duyệt hồ sơ; đồng thời cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhanh nhất. Một vấn đề nữa cũng là yếu tố cốt lõi với DN BR-VT là các DN cần tham gia vào các chuỗi cung ứng để nâng cao năng suất trong thời gian tới. Bởi nếu tham gia được vào các chuỗi cung cấp một cách ổn định thì lúc đó DN mới có điều kiện để cải tiến năng suất.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.