Mưa lớn, gió lốc "gieo sầu" cho nông dân Xuyên Mộc

Thứ Sáu, 17/08/2018, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc liên tiếp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mưa lớn, gió lốc khiến nhiều diện tích rau quả, cây ăn trái thiệt hại nặng.

Ông Nguyễn Văn Cường (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cẩn thận treo trái, tránh cho việc dưa bị hư hại do ngập úng.
Ông Nguyễn Văn Cường (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cẩn thận treo trái, tránh cho việc dưa bị hư hại do ngập úng.

Có mặt tại các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc), dễ dàng nhận thấy những vết tích của trận lốc xoáy qua địa bàn 2 xã trên vào chiều tối 13-8. Nhiều vườn tiêu xanh mởn, đã bắt đầu cho trái bị gãy đổ, chồng lên nhau, thậm chí có nhiều trụ tiêu còn bị bật gốc vẫn chưa được nông dân khắc phục hết. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ấp 5, xã Hòa Hội) là hộ bị thiệt hại nặng nề nhất do trận lốc xoáy chiều tối 13-8. “Cơn lốc quét qua giữa vườn tiêu, làm 500 trụ tiêu đổ rạp. Phần lớn các trụ tiêu bị gãy đổ ở 5-6 năm tuổi, đang trong giai đoạn “sung sức”, cho từ 8-10kg hạt/trụ/năm, gia đình tôi thiệt hại khoảng 300 triệu đồng”, ông Tuấn kể. Ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc xác nhận, cơn lốc xoáy ngày 13-8 đã khiến khoảng 800 gốc tiêu và một số ít cây trồng khác như điều, sầu riêng gãy đổ.

Hàng trăm trụ tiêu của ông Nguyễn Anh Tuấn (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) đổ rạp. Ảnh: QUANG VINH
Hàng trăm trụ tiêu của ông Nguyễn Anh Tuấn (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) đổ rạp.

Tại xã Hòa Hiệp, trận lốc xoáy vừa qua cũng đã khiến gần 200 gốc tiêu gãy đổ. Ông Bùi Đức Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết: “Ngoài trận lốc xoáy xuất hiện đột ngột và gây thiệt hại, thời gian qua, trên địa bàn mưa lớn, độ ẩm không khí cao khiến tiêu dễ mắc bệnh. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con tăng cường thăm vườn, phát hiện sớm các loại bệnh như tiêu chết nhanh, chết chậm để điều trị. Bên cạnh đó, bà con nên giữ gốc tiêu không quá cao, khoảng 6-7m và chằng chống trụ tiêu cẩn thận, để tránh gãy đổ khi gặp gió lốc hay mưa lớn”, ông Viễn cho biết.

Mưa lớn cũng gây ảnh hưởng nặng nề cho các hộ trồng dưa lưới. Giữa tháng 5 Âm lịch, ông Nguyễn Văn Cường (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận) xuống giống 4.000 gốc dưa lưới trên diện tích 0,5ha nhằm phục vụ thị trường Tết Trung thu. Nhưng khi dưa bắt đầu có trái thì liên tiếp gặp phải mưa lớn. Ông Cường cho biết, thông thường, vào mùa mưa, dưa không phát triển tốt như mùa khô và năng suất chỉ khoảng 25 tấn/ha. “Năm nay, sản lượng có thể sẽ thấp hơn khoảng 25% so với sản lượng trung bình hàng năm. Nguyên nhân là mưa quá nhiều trong thời gian ngắn, bên cạnh đó còn xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy nên dưa bị hư hại nhiều”.

Để khắc phục tình trạng mưa lớn kéo dài, gây ngập úng, nông dân trồng dưa trên địa bàn xã Phước Thuận chủ động đào mương sâu quanh ruộng để thoát nước. Bên cạnh đó, tăng cường thăm vườn, nhổ cỏ dại, bón phân, tăng mật độ phun thuốc trị nấm cho dưa để tránh sâu bệnh. Những hộ có điều kiện thì làm thêm giàn tre, đặt dưa lên giàn để tránh độ ẩm, ngập úng.

Bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 60ha dưa lưới, dưa vàng, thông thường cung cấp cho thị trường gần 2 ngàn tấn dưa/vụ. “Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi, năng suất nhiều ruộng dưa trên địa bàn xã giảm mạnh. Dù nông dân đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng lượng dưa cung cấp ra thị trường sẽ thấp hơn mọi năm”, bà Hiền dự báo.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.