Gia tăng tỷ lệ hàng hóa tinh chế trong xuất khẩu

Thứ Hai, 13/08/2018, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT có 13.000 DN trong đó có 154 DN xuất khẩu. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng tốt. BR-VT đang đặt mục tiêu phát triển ngành xuất khẩu theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, ưu tiên xuất khẩu các lĩnh vực có lợi thế của địa phương và xuất khẩu các sản phẩm tinh chế.

CHINH PHỤC NHỮNG THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH

Bộ Công thương vừa công bố danh sách 225 DN xuất khẩu uy tín năm 2017 trên cả nước, trong đó BR-VT có 8 DN góp mặt. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc tỉnh có nhiều DN được công nhận là DN xuất khẩu uy tín không chỉ giúp DN phát triển sản xuất, có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng độ tin cậy với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các thị trường khó tính mà còn là nền tảng để đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh phát triển bền vững.

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) là một trong những DN thủy sản xuất khẩu lớn của tỉnh. Sau 37 năm xây dựng và phát triển, sản phẩm của Baseafood đã có mặt ở hơn 40 nước. Theo ông Nguyễn Công Huyên, Phó Tổng giám đốc Công ty, để trở thành một trong những DN xuất khẩu uy tín, Baseafood đã phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có kinh nghiệm và trình độ chuyên sâu về chế biến thủy sản, có đội ngũ công nhân lành nghề với trên 1.000 người. Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu khắt khe từ các đối tác nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Úc… công ty phải trang bị hệ thống máy móc thiết bị hiện đại có thể chế biến các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn châu Âu DL 34, DL 20, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất vào các nước hồi giáo HALAL, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam HACCP, chứng chỉ ISO 9001: 2008.

Công nhân Công ty Baseafood chế biến cá xuất khẩu.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến cá xuất khẩu.

Ông Huyên cho biết thêm, hiện sản lượng thành phẩm xuất khẩu của công ty trung bình đạt 9.000 tấn/năm, trong đó 90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của công ty đạt từ 30 đến 40 triệu USD. Trong đó, năm 2017, Baseafood đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 36,67 triệu USD, với sản lượng khoảng 10 ngàn tấn sản phẩm các loại (tăng 10% so với năm 2016). 6 tháng đầu năm 2018, DN đã xuất khẩu được 16,5 triệu USD. Dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 37 triệu USD.

Khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất hạt điều nhỏ với giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm đầu (năm 2002) chỉ đạt hơn 2 triệu USD, đến năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Thảo Nguyên (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) đã vượt ngưỡng 100 triệu USD và vươn lên trở thành 1 trong 8 DN xuất khẩu uy tín của tỉnh được Bộ Công thương công nhận. Hiện tại, công ty đang xuất khẩu 5.500 tấn nhân điều/năm; dầu điều, Cardanol 45.000 tấn/năm; kinh doanh các loại nông sản khác: 50.000 tấn/năm. Sản phẩm của Thảo Nguyên hiện đã xuất sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Hồng Kông, Trung Quốc… và một số nước thuộc khu vực châu Á. Theo bà Trần Bích Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, để chinh phục được những thị trường khó tính, công ty luôn đi đầu trong việc triển khai áp dụng và duy trì thực hiện các hệ thống quản trị chất lượng như: HACCP, ISO 22000, FSSC 22000, BRC trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà Phương cho rằng, việc áp dụng các hệ thống quản lý trên là xu hướng tất yếu, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường, của khách hàng; đồng thời góp phần từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho nguồn nhân lực; nâng cao sức cạnh tranh của Thảo Nguyên trên thị trường xuất khẩu.

Sản xuất hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Thảo Nguyên. Ảnh:  QUANG VŨ
Sản xuất hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Thảo Nguyên. Ảnh: QUANG VŨ

Dù không có lợi thế như thủy sản, nông sản nhưng cao su cũng là một trong những ngành hàng mà tỉnh BR-VT có kim ngạch xuất khẩu cao. Theo báo cáo của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm sản lượng cao su xuất khẩu toàn tỉnh đạt 4.692 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,13 triệu USD. Trong đó, DN xuất khẩu cao su chủ lực của tỉnh là Công ty CP Cao su Bà Rịa (xã Xà Bang, huyện Châu Đức), 5 tháng đầu năm 2018 đã xuất khẩu 1.042 tấn cao su, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 35,8 tỷ đồng sang các thị trường như Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa thu hoạch mủ cao su.
Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa thu hoạch mủ cao su.

XUẤT KHẨU THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong những năm qua, thị trường xuất khẩu của BR-VT đã được mở rộng, cán cân thương mại được cải thiện. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng các chủng loại hàng chế biến tinh chế, chế tạo, giảm dần tỷ trọng các nhóm hàng khai thác tài nguyên, khoáng sản, hàng sơ chế có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Những chuyển biến này phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Công thương, 7 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trừ dầu thô 2,49 tỷ USD, đạt 57,13% kế hoạch năm, tăng 17,46% so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm hàng CN-TTCN vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 89,05% trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô, tương đương 2,22 tỷ USD, tăng 23,52% so với cùng kỳ. Tiếp đến là nhóm thủy sản chiếm tỷ trọng 7,66% với 191,01 triệu USD, giảm 16,3%. Nhóm nông - lâm - sản chiếm 3,28% về tỷ trọng với 81,87 triệu USD, giảm 15,39%.

Để có được kết quả trên là do những năm gần đây, tỉnh BR-VT có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu đã phong phú hơn, nhiều DN mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nên mặt hàng xuất khẩu đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đề xuất, để đạt được mục tiêu phát triển ngành xuất khẩu theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, tỉnh cần có chính sách ưu đãi hơn nữa cho các lĩnh vực xuất khẩu. Trước hết cần phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo cơ sở vững chắc cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, trong đó chú trọng công tác chuyển giao khoa học- kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Về phía các DN cần chủ động liên doanh, liên kết, tiếp cận thông tin để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại đáp ứng yêu cầu thị trường. Chủ động chiến lược kinh doanh, chiến lược thị trường phù hợp với lộ trình hội nhập theo hướng giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Xây dựng và đăng ký thương hiệu nhằm khẳng định vị thế hàng hóa của DN trên thị trường quốc tế.

Năm 2018, BR-VT đặt mục tiêu xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2017. Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, ngoài đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho DN, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất, tạo thêm sản phẩm và dịch vụ để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, ngành công thương tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tăng cường thông tin thị trường, tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung các Hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ DN ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài…

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của 8 DN xuất khẩu uy tín năm 2017 của BR-VT do Bộ Công thương công bố gồm: Công ty CP Cao su Bà Rịa 6 triệu USD; Công ty CP Hải Việt 86 triệu USD; Baseafood 36,67 triệu USD; Công ty TNHH thủy sản Nguyễn Tiến 27,16 triệu USD; Công ty CP xuất nhập khẩu Côn Đảo 16,62 triệu USD; Công ty TNHH Thảo Nguyên 105,73 triệu USD; Công ty TNHH Cao Phát 36,52 triệu USD; Công ty TNHH Vard Vũng Tàu 112,94 triệu USD.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - QUANG VŨ

;
.