Động vật hoang dã nuôi dễ, bán khó

Thứ Sáu, 10/08/2018, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Có một thời, nuôi và bán động vật hoang dã cũng được coi là nghề kiếm sống cho nhiều bà con nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá các loại động vật này giảm mạnh, do thị trường mua bán bị thu hẹp.

Nuôi rắn ráo trâu tại trang trại của chị Nguyễn Thị Linh, xã Xà Bàng, huyện Châu Đức.
Nuôi rắn ráo trâu tại trang trại của chị Nguyễn Thị Linh, xã Xà Bàng, huyện Châu Đức.

Năm 2008, chị Nguyễn Thị Linh (ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) bắt đầu nuôi rắn ráo trâu. Theo chị Linh, nuôi loại rắn này không khó. Chuồng nuôi làm bằng xi măng rộng khoảng 1m. Bên trong chuồng có vỉ tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi. Đáy chuồng tráng một lớp xi măng mỏng, sau đó đắp lên một lớp đất khoảng 2cm. Thức ăn của rắn là cóc, ếch, nhái… Những năm đầu giá rắn ở mức cao, khoảng 1 triệu đồng/kg nên lãi khá, nuôi 1.000 con có thể thu trên 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm đầu năm 2016 đến nay, giá rắn ráo đột ngột giảm mạnh, chỉ còn một nửa so với trước, khoảng 400-500 ngàn đồng/kg. Chị Linh cho biết: “Hiện nay, do nguồn cung dồi dào nên thương lái Trung Quốc không còn thu mua mạnh như trước. Do vậy, thị trường tiêu thụ của các hộ nuôi rắn bị thu hẹp, chỉ còn các nhà hàng trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Điều này khiến giá rắn giảm mạnh, tôi phải cắt giảm số lượng nuôi xuống còn 400 con”.

Cũng trong tình trạng tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng (ở thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) đang nuôi khoảng 70 con trăn cho biết: Chi phí chăm sóc trăn từ khi nở đến khoảng 1 năm tuổi (thời điểm có thể xuất bán) khoảng 1 triệu đồng/con. Trước đây, giá trăn luôn giữ ổn định ở mức khoảng 300 ngàn đồng/kg nên người nuôi có thể lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, gần 3 năm trở lại đây giá giảm mạnh, chỉ còn khoảng 200-220 ngàn đồng/kg. “Với giá này, người nuôi trăn gần như không có lãi nên nhiều hộ đã dừng nuôi. Tôi cũng chỉ cầm chừng khoảng vài tháng nữa, nếu giá trăn không tăng tôi cũng sẽ treo chuồng”.

Nhờ chương trình hỗ trợ nhím giống của Hội Nông dân tỉnh, nhiều hộ nghèo tại phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) có thu nhập ổn định hơn.
Nhờ chương trình hỗ trợ nhím giống của Hội Nông dân tỉnh, nhiều hộ nghèo tại phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) có thu nhập ổn định hơn.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng Hạt Kiểm lâm Châu Đức - Bà Rịa cho biết: Khoảng 3 năm trước, trên địa bàn huyện Châu Đức, phong trào nuôi động vật hoang dã phát triển mạnh với hàng trăm cơ sở, trại chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 31 cơ sở, trại chăn nuôi động vật rừng với khoảng gần 3.500 cá thể.

Trên địa bàn toàn tỉnh, theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện có gần 150 trại nuôi động vật hoang dã với hơn 8 ngàn cá thế như cá sấu, nhím, trăn đất, rắn ráo… giảm khá nhiều so với 3-4 năm trước. Nguyên nhân là giá các loài động vật hoang dã như nhím, rắn, trăn… giảm mạnh do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc (chiếm 60-70%) ngừng thu mua, thị trường trong nước lại khá bấp bênh.

Ông Bảo thông tin thêm, dù số lượng cơ sở, trang trại nuôi đã giảm nhiều, tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn giám sát, quản lý chặt chẽ nghề nuôi động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm các huyện, thị, thành rà soát, cập nhập, theo dõi chặt chẽ tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn quản lý; thẩm định hồ sơ nguồn gốc, số lượng, chủng loại động vật hoang dã, tiêu chuẩn chuồng trại… để tránh các hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.