.

DU LỊCH SINH THÁI CÔN ĐẢO: THỪA VÀ THIẾU

Cập nhật: 09:45, 23/04/2004 (GMT+7)

Khách du lịch đến Côn Đảo bằng đường hàng không hiện nay còn quá ít. Ảnh: Mai Thảo

Quần đảo Côn Sơn (huyện Côn Đảo) là tuyệt tác thiên nhiên với 16 hòn đảo lớn nhỏ hợp thành. Thời gian qua, vấn đề bảo tồn thiên nhiên kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và du lịch về nguồn ở Côn Đảo được đặt ra. Những dự án về du lịch đã và đang triển khai thực hiện, trong đó có dự án "Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Côn Đảo". Thế nhưng tiến độ thực hiện dự án này rất chậm, làm cho loại hình du lịch sinh thái ở Côn Đảo chưa phát triển hoàn chỉnh.

THỪA TIỀM NĂNG THIÊN NHIÊN VÀ LỢI THẾ ĐẶC BIỆT, NHƯNG…

Huyện Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên gần 76km2, nhưng do điều kiện địa lý tự nhiên là quần đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ hợp thành, vì vậy có đến 3/4 đất đai chủ yếu là núi đá, rừng cây thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) với diện tích 5.998ha. Đồng thời, VQGCĐ còn quản lý, bảo tồn hệ sinh thái biển trên diện tích 14.000ha mặt nước và vùng đệm trên biển 20.500ha bao quanh các đảo.

Mức độ đa dạng sinh học ở VQGCĐ rất cao, vừa có hệ sinh thái rừng, vừa có hệ sinh thái biển vớiù nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm, có giá trị cao trong việc nghiên cứu khoa học, bảo tồn tự nhiên và môi trường. Theo thống kê gần đây, VQGCĐ có 882 loài thực vật rừng và 144 loài động vật rừng, 1.300 loài sinh vật biển. Các loài sinh vật sống trên rừng, dưới biển đều có mối quan hệ tương tác lẫn nhau, sự tồn tại của bất kỳ loài nào cũng đều quan trọng đối với toàn bộ hệ sinh thái. Ngoài giá trị của hệ sinh thái tự nhiên, VQGCĐ còn có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc sắc và hấp dẫn bởi sự hài hòa giữa núi rừng và biển với những nét hoang sơ, cảnh sắc hữu tình trong một không gian khoáng đạt của trời-mây-non-nước.

Không những có hệ sinh thái và cảnh quan đặc sắc, mà VQGCĐ còn nằm trên địa bàn nổi tiếng là một di tích lịch sử cách mạng vào bậc nhất của nước ta, có hệ thống di tích nhà tù tàn bạo được mệnh danh là "địa ngục trần gian", nơi trước năm 1975 kẻ địch dùng để đày ải và lao dịch khổ sai các chiến sĩ đấu tranh vì độc lập-tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó, sau khi thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Côn Đảo được Trung ương cho phép thực hiện cơ chế thoáng và được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Đời sống xã hội của huyện ngày càng phát triển, dân số hiện nay cũng đã tăng lên gần 5.000 người, gồm dân cư của hơn 50 tỉnh, thành cả nước hội tụ về đây xây dựng cuộc sống mới, tạo nên một địa bàn dân cư nhộn nhịp nơi đảo xa.

Các điều kiện và lợi thế đặc biệt nêu trên ở Côn Đảo không phải nơi nào cũng có được, đây là những tiềm năng khá tốt cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và du lịch về nguồn.

CÒN THIẾU SỰ HIỆP LỰC VÀ PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ

ÔNG NGUYỄN HOÀNG TÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CÔN ĐẢO

Giao thông trắc trở là một vấn đề có tác động rất lớn đến việc thu hút khách du lịch đến đảo. Về đường biển, hiện tại huyện có 2 con tàu chở khách mang tên Hòn Cau 9 và Hòn Cau 10, nhưng hoạt động phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, không chủ động đi-đến đúng theo lịch. Thời gian hải trình tuyến Vũng Tàu-Côn Đảo 10-12 giờ, tuyến Sài Gòn-Côn Đảo mất đến 18-20 giờ lênh đênh trên sóng, do vậy du khách rất ngại đến đảo bằng đường biển. Về đường hàng không, hiện nay Công ty Bay dịch vụ Miền Nam đang thực hiện các chuyến bay tuyến Vũng Tàu-Côn Đảo 3 chuyến/tuần (thứ Hai, thứ Năm và thứ Bảy) bằng loại máy bay trực thăng MI 17. Ngày 10-5-2004 tới đây, Hãng hàng không VASCO của Việt Nam sẽ thực hiện chuyến bay chính thức tuyến Sài Gòn-Côn Đảo, chở 26 du khách lần đầu tiên đến Côn Đảo bằng máy bay phản lực AN 38 (thuê nước ngoài). Sau đó, mở thêm các tuyến bay Vũng Tàu-Côn Đảo và Cà Mau-Côn Đảo bằng máy bay AN 38. Thời gian bay đến Côn Đảo bằng hai loại máy bay này chỉ  trên dưới 1 giờ, nhưng giá vé khứ hồi loại máy bay MI 17 là 1 triệu đồng, giá vé máy bay AN 38 dự kiến 1,2 triệu đồng, gía vé cao nên chưa hấp dẫn du khách sử dụng phương tiện hàng không.

Cách đây gần 5 năm, ngày 2-3-2000, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 985/2000/ QĐ.UB phê duyệt dự án đầu tư "Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Côn Đảo" giai đoạn 5 năm 2000-2005. Theo đó, tổng vốn đầu tư  cho dự án 10,957 tỷ đồng (vốn ngân sách 7,65 tỷ đồng và vốn huy động liên doanh 3,307 tỷ đồng) để thực hiện các hạng mục công trình ở 5 điểm tham quan và 9 tuyến du lịch gồm: Nâng cấp một số tuyến đường mòn trong rừng; Xây dựng 11 bể chứa nuớc ngọt trên các đảo có dung tích 100m3/bể; Nâng cấp phương tiện và thiết bị vận chuyển; Xây dựng phòng trưng bày mẫu vật và sa bàn; Xây dựng 10 căn nhà trệt (bungalow) tại 5 điểm du lịch; Xây dựng các công trình phụ và lắp đặt thiết bị ở 13 trạm kiểm lâm trên các hòn đảo. Đồng thời kinh phí đầu tư cũng được sử dụng cho việc đào tạo nghiệp vụ du lịch, thông tin tuyên truyền quảng bá các sản phẩm du lịch của VQGCĐ.

Đến nay, sau gần 5 năm triển khai thực hiện dự án du lịch sinh thái ở VQGCĐ, nghĩa là gần hết thời gian đầu tư theo dự án, thế nhưng khối lượng công việc chỉ mới thực hiện được khoảng 20%, trong đó đóng mới một con tàu trị giá 700 triệu đồng với công suất 290CV dùng để chở khách đi tham quan các hòn đảo. Ông Trần Đình Huệ, Phó giám đốc VQGCĐ cho biết: Dự án thực hiện chậm tiến độ thời gian do thủ tục đầu tư quá khó khăn, các cơ quan chức năng chuyên môn chưa có hướng dẫn thực hiện đúng quy trình đầu tư ngay từ lúc đầu, nhất là ở khâu xét duyệt và thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Có trường hợp một số hạng mục như công trình cầu tàu du lịch hòn Cau, hòn Bảy Cạnh sau khi thuê tư vấn làm xong thiết kế kỹ thuật, đến khâu thẩm định thì buộc phải làm lại với lý do chọn tư vấn không đúng yêu cầu chuyên môn. Mặt khác, biến động thị trường vật tư, nguyên liệu thời điểm hiện tại so với khi lập dự án chênh nhau về giá, do đó cũng phải làm lại hồ sơ dự toán… 

Tâm lý khách du lịch là đến tham quan nơi nào, thì nơi ấy phải có gì đó gọi là đặc sản để mua về làm quà, làm kỷ niệm. Hiện tại, ở Côn Đảo chỉ có sản phẩm nước mắm đóng chai mang tên Hòn Cau, ngoài ra không có hàng thực phẩm chế biến đặc sắc, hoặc hàng thủ công mỹ nghệ gì mang đậm dấu ấn nơi vùng đảo xa. Mặt khác, sản phẩm du lịch thiên nhiên cũng phải gắn kết với sản phẩm du lịch nhân tạo. Ở Côn Đảo hiện chưa có một khu vui chơi giải trí nào dành cho du khách sau một ngày đi tua theo tuyến tham quan thiên nhiên.

Có thể nói rằng, thời gian qua, tiến độ thực hiện dự án "Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Côn Đảo" chậm trễ so với kế hoạch bởi thiếu sự phối hợp hiệp lực giữa VQGCĐ với chính quyền địa phương, cùng các cơ quan chức năng chuyên môn. Đồng thời, các ngành thương mại-dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cũng chưa phát triển đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới, tạo điều kiện cho mô hình du lịch sinh thái ở Côn Đảo mau chóng khởi sắc đi lên.

Nhựt Thanh

.
.
.