Sử dụng hiệu quả vùng đất ngập nước

Thứ Sáu, 26/02/2021, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Cán bộ Sở TN-MT trồng rừng ngập mặn tại VQG Côn Đảo.
Cán bộ Sở TN-MT trồng rừng ngập mặn tại VQG Côn Đảo.

MẤT ĐẤT NGẬP NƯỚC LÀ MẤT ĐA DẠNG SINH HỌC

Theo đánh giá của Sở TN-MT, BR-VT có các hệ sinh thái đất ngập nước như: Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, rừng ngập mặn ở Long Sơn (TP. Vũng Tàu), TX. Phú Mỹ; ao đầm của Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu…  Các hệ sinh thái này có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, quý, hiếm.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển trên địa bàn tỉnh là nơi nuôi trồng thủy hải sản và là sinh cảnh sống quan trọng của nhiều loài, đặc biệt là các loài thuỷ hải sản, chim nước, chim di cư và các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang ở mức độ sẽ nguy cấp, cần được ưu tiên bảo vệ... 

Tuy nhiên, việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản ở các khu vực đất ngập nước còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái thuỷ sinh, rừng ngập mặn, làm cho nguồn thủy sản vùng đất ngập nước bị giảm dần. Một bộ phận cư dân sống gần các vùng đất ngập nước còn thực hiện khai thác thủy sản bằng nhiều công cụ, phương tiện mang tính hủy diệt như xung điện, các loại ngư cụ có mắt lưới nhỏ để khai thác tận thu thủy sản; khai thác và tiêu thụ các loại thủy sản quý hiếm, hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Bên cạnh đó, các hoạt động quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, chất thải từ hoạt động dân sinh và sản xuất kinh doanh, việc thu hẹp diện tích các đầm, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái và các loài sinh vật của các vùng đất ngập nước trong tỉnh; từ đó tác động trở lại đến sinh kế, đời sống của cộng đồng dân cư.

Chẳng hạn như các vùng đất ngập nước của Côn Đảo đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác thủy sản, các loại chất thải như dầu mỡ cặn, túi ni lông... từ cửa sông đẩy ra. Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương như TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ, huyện Long Điền, huyện Xuyên Mộc cũng giảm rõ rệt do nạn phá rừng ngày càng tăng và các KCN, cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp. Theo thống kê Sở TN-MT, toàn tỉnh hiện chỉ còn hơn 2.000ha diện tích rừng ngập mặn, giảm 50% so với 5-6 năm trước. Việc rừng ngập mặn ở các vùng đất ngập nước giảm mạnh đã làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ. 

BẢO VỆ VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

Theo Sở TN-MT, các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với tài nguyên nước và cuộc sống con người. Vùng đất ngập nước đảm bảo nguồn cấp nước thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành. Các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm hỗ trợ sản xuất, một lượng lớn thủy sản được đánh bắt từ các vùng đất ngập nước, có vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh học. Ngoài ra, những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như VQG Côn Đảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu đã trở thành điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước. Đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử vì đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của tỉnh.

Để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập đang gặp phải, BR-VT đã bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng đất ngập nước khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian qua, BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phục hồi các vùng đất ngập nước như trồng rừng ngập mặn; lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar VQG Côn Đảo; triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu; quan trắc môi trường nước biển định kỳ; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải… 

Ông Đặng Sơn Hải cho biết thêm, giai đoạn 2020-2030, Sở TN-MT xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với các vùng đất ngập nước; xây dựng, triển khai và phổ biến áp dụng các mô hình sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Sở TN-MT cũng nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái, nhất là đối với hệ sinh thái biển, ven biển…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.