Xác định trọng điểm chuyển giao công nghệ

Thứ Sáu, 04/12/2020, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Trong khuôn khổ chương trình “Kết nối cung - cầu công nghệ BR-VT năm 2020” đã diễn ra hội nghị “Hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương”. Hội nghị đã bàn các giải pháp để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, giúp các địa phương phát triển KT-XH.

Viện Công nghệ thông tin (Viện KH-CN Quân sự, Bộ Quốc phòng) giới thiệu phần mềm hỗ trợ Đại hội Đảng các cấp tại sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ BR-VT năm 2020”.
Viện Công nghệ thông tin (Viện KH-CN Quân sự, Bộ Quốc phòng) giới thiệu phần mềm hỗ trợ Đại hội Đảng các cấp tại sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ BR-VT năm 2020”.

Thời gian qua, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc đưa công nghệ từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu đến với nông dân cũng như các DN. Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết, giai đoạn 2016-2020, đã có hơn 14.000 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ do các trung tâm thuộc Sở KH-CN các tỉnh thực hiện với tổng giá trị 290 tỷ đồng. Kết quả thống kê hằng năm cũng cho thấy, số lượng hợp đồng tư vấn chuyển giao cũng như chuyển giao công nghệ đều tăng lên.

Đặc biệt, công tác chuyển giao công nghệ có bước tiến lớn khi tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 317/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn đến năm 2020”. Đến nay, có 53/63 địa phương phê duyệt đầu tư 165 dự án xây dựng mới, nâng cấp trụ sở, tăng cường cơ sở vật chất, hệ thống trạm, trại, khu thực nghiệm của các trung tâm…

Tuy nhiên, hiện các trung tâm vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động chưa được kiện toàn. Hoạt động liên kết giữa trung tâm với các viện, trường, DN chưa nhiều; việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu và liên kết theo chuỗi giá trị chưa cao; trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức chưa đồng đều, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Ông Ngô Hoàn Linh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Nghệ An cho biết, khó khăn của địa phương hiện nay là việc huy động kinh phí ngoài NSNN đầu tư cho các dự án; thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm trong việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ về KH-CN và các quy chuẩn cho các tổ chức, DN và cá nhân sản xuất...

Đại diện các địa phương cũng đề xuất, cần xác định chiến lược tận dụng sức mạnh sẵn có và nắm lấy những cơ hội để tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 theo hướng đổi mới toàn diện và nhất quán nhưng vẫn bảo đảm tính chuyên biệt và đặc thù của các Trung tâm. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất của các Trung tâm tại các địa phương và gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao…

Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP. Cần Thơ, cần tiếp tục nghiên cứu làm chủ và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm như: sinh học; thực phẩm; công nghệ thông tin; xử lý môi trường; nông nghiệp; tiết kiệm năng lượng; y dược; công nghiệp; vật liệu mới... Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng mô hình ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm công nghệ; khai thác nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ DN của các tỉnh, thành; phát triển hoạt động ứng dụng, bảo đảm nhu cầu sản xuất quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa theo chuỗi cung ứng... Và quan trọng nữa là cần tăng cường liên kết các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN giữa các tỉnh, thành trong nước để phát triển.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.