50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH:

"Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"

Thứ Ba, 11/06/2019, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng. Theo Người, đoàn kết là cội nguồn, nền tảng để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà dân tộc giao phó.

Cách đây 92 năm, năm 1927 trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác Hồ khẳng định: “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Với hành trang tri thức đúc kết trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, cũng như tiếp thu những kinh nghiệm quý từ các đảng cộng sản ở các nước XHCN anh em, giúp Người rút ra quy luật: Sức mạnh của một Đảng cầm quyền, cội nguồn trước hết và trên hết suy cho cùng là sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ.

Đảng có đoàn kết, thống nhất thì toàn dân mới đoàn kết, thống nhất; Đảng đoàn kết mới có thể kêu gọi, thuyết phục, lôi cuốn, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng, đi theo, mới giữ được vai trò lãnh đạo, để cùng dân tộc thực hiện đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người thường xuyên nhắc nhở: Trong mọi lúc, mọi nơi, tăng cường đoàn kết, thống nhất là vấn đề mấu chốt của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ chiến lược của đảng cầm quyền, đòi hỏi luôn phải đặt lên hàng đầu và thường xuyên quan tâm, chăm lo đúng mức.

Trong Di chúc thiêng liêng – một tác phẩm cuối cùng, Người đã dành điều “Trước tiên” để nói về Đảng và dòng đầu tiên để cảnh báo và căn dặn Đảng ta đề phòng, cảnh giác với việc giữ gìn, củng cố, phát triển mối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Là người sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo sát từng bước đi, chứng kiến và nắm chắc mọi chuyển biến tiến bộ, trưởng thành cũng như những thăng trầm của Đảng. Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi nhìn lại và tổng kết chặng đường đã qua, Người cảm thấy vui mừng và hài lòng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Nội bộ Đảng luôn giữ vững đoàn kết nhất trí đã tạo ra sự đồng thuận trong Đảng, trong dân; huy động được tối đa trí tuệ của Đảng; đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ với toàn dân; mở rộng được mối quan hệ đoàn kết quốc tế; hình ảnh của Đảng được nhân dân tôn vinh, ngưỡng mộ “là đạo đức, là văn minh”, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công; cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi và sau này là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như những thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều nhờ vào sức mạnh đoàn kết nhất trí của Đảng. Với sứ mệnh lãnh đạo, Đảng đã hòa vào dân tộc, cùng với toàn dân chịu đựng, vượt qua chặng đường đầy chông gai, thử thách ác liệt, hi sinh, quá trình đó đã hình thành, vun đắp, phát triển khối đoàn kết nhất trí thành: “một truyền thống quý báu của Đảng và của dân ta”, đó là niềm kiêu hãnh, tự hào chính đáng của Đảng, của dân tộc.

Trước khi về với “cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Người vẫn còn nhiều trăn trở về Đảng, về nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong tương lai. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ kết thúc thắng lợi như một điều tất yếu của lịch sử, nhưng khi bước vào nhiệm vụ mới: “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Người cho rằng: Đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, là “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”, đòi hỏi “Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết”. Dẫu biết rằng khối đoàn kết trong Đảng đã được thử thách qua khói lửa chiến tranh, qua bao ghềnh thác hiểm nguy của những bước ngoặt cách mạng, đã trở thành truyền thống vẻ vang, nhưng Người vẫn căn dặn: Để tiếp tục gặt hái được thành công trong điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ mới, đòi hỏi “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đó là thông điệp, là mệnh lệnh và là lời cảnh tỉnh mang ý nghĩa sâu sắc đối với Đảng, với cách mạng nước ta không chỉ hôm qua, hôm nay, mà còn mãi mãi về sau!

Để bảo đảm sự đoàn kết nhất trí về tư tưởng và hành động, Người chỉ ra con đường, giải pháp: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”; khi trở thành đảng viên của Đảng, sống, công tác cùng nhau, luôn biết giúp đỡ, dìu dắt nhau, “Phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”; “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và điều quan trọng Đảng phải “thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong nỗi đau thương vô hạn, Điếu văn tiễn đưa Bác về nơi an nghỉ cuối cùng, Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn dân đã hứa trước anh linh của Người, rằng: “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”. Thưa Bác, toàn Đảng, toàn dân đang làm theo lời Bác, khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng luôn được chú trọng xây dựng và củng cố. 50 năm qua, đặc biệt là hơn 30 năm đổi mới, truyền thống đoàn kết của Đảng tiếp tục được tô thắm, sự lớn mạnh dựa trên nền tảng đoàn kết, thống nhất đã giúp Đảng lãnh đạo nhân dân nắm bắt được mọi thời cơ, vượt qua được mọi thách thức, dành được nhiều thành tựu mang tầm thời đại. Và hôm nay, các thế hệ con cháu đang nguyện làm theo Di chúc, “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế”, nhằm thực hiện trọn vẹn điều mong muốn cuối cùng của Người: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.