HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Kể chuyện về Bác để ghi nhớ và làm theo

Thứ Sáu, 24/05/2019, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, Đoàn trường CĐ Sư phạm BR-VT đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần tác động tích cực đến nhận thức, giúp SV hiểu và noi gương Bác bằng những hành động cụ thể.

Sinh viên Trường CĐ Sư phạm BR-VT thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hiên (ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) trong Chiến dịch “Mùa hè xanh” năm 2018.
Sinh viên Trường CĐ Sư phạm BR-VT thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hiên (ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) trong Chiến dịch “Mùa hè xanh” năm 2018.

KỂ VỀ BÁC BẰNG CẢ TẤM LÒNG

Từ năm 2012 đến nay, hàng năm, Đoàn trường CĐ Sư phạm BR-VT đều tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những ngày tháng 5-2019, khi cả nước đang kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác, những câu chuyện về Người một lần nữa được tái hiện qua giọng kể truyền cảm của các bạn SV đã tạo nên xúc cảm mạnh mẽ, chạm đến trái tim người nghe, để cảm thấy “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Với giọng kể lúc trầm lúc bổng kết hợp với tiếng nhạc nền của ca khúc “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, SV Phạm Thị Ngọc Ý (lớp 20C1, Khoa Tự nhiên – xã hội) đã thể hiện tình yêu thương, sự chăm lo ân cần của Bác với nhân dân, đặc biệt là với những người nghèo khổ qua câu chuyện “Bác không đến thăm những người như cô thì thăm ai”. Những câu thoại như “Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà” được Ngọc Ý thể hiện chậm rãi xen lẫn với tiếng nấc khiến cả khán phòng như được trở về tối 30 Tết Nhâm Dần năm 1962, chứng kiến hình ảnh Bác ân cần hỏi han, động viên chị Chín, có hoàn cảnh chồng mất, một mình nuôi 3 con nhỏ ở phố Lý Thái Tổ (TP.Hà Nội) cố gắng vượt qua những khó khăn, đồng thời chỉ thị cho Ủy ban Hành chính TP.Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín. 

“Câu chuyện là lời nhắc nhở, là bài học quý giá cho tất cả chúng ta, dù bất luận ở cương vị nào cũng phải nên gần gũi, yêu thương con người, đặc biệt là những con người có hoàn cảnh khó khăn…”, SV Vương Thị Tuyết Trinh (Khoa Kinh tế - quản lý) chia sẻ.

Không phải đợi tới khi Đoàn trường tổ chức hội thi “Kể chuyện về Bác Hồ”, SV mới được nghe những câu chuyện xúc động về Bác, nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ học và làm theo lời Bác” trong đội ngũ ĐVTN, nhiều năm qua, Đoàn trường CĐ Sư phạm BR-VT đã duy trì mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác”. Theo đó, vào các buổi sinh hoạt hàng tuần, các chi đoàn sẽ chọn đọc một câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sống của Bác. Để mỗi câu chuyện kể về Bác đi vào lòng người, các chi đoàn còn phân công người kể chuyện phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nêu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa, giá trị của câu chuyện, đồng thời rút ra bài học áp dụng vào thực tế công tác và cuộc sống để ĐVTN lắng nghe và ghi vào sổ tay “Nhật ký làm theo lời Bác” của mình, từ đó rút ra những hạn chế của bản thân để “sửa mình”, đồng thời chủ động xây dựng cho mình thói quen học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. 

NỖ LỰC RÈN LUYỆN VÀ CỐNG HIẾN

Xác định học và làm theo Bác đối với SV chính là tự giác rèn luyện, tu dưỡng để có đạo đức cách mạng, đồng thời phát huy sức trẻ qua những công trình, phần việc góp phần xây dựng quê hương, ngay từ đầu năm học, SV Nguyễn Thị Kim Trinh (lớp 19A2) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong học tập, rèn luyện về đạo đức, kỹ năng sống cho bản thân. Ngoài việc tập trung nghe giảng ở lớp, khi về nhà, Trinh tận dụng mọi quỹ thời gian để trau dồi kiến thức bằng cách đọc sách, học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô và các anh chị đi trước, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học cùng các SV trong trường. Nhờ đó mà 3 năm qua, Kim Trinh là một trong những SV dẫn đầu Khoa với điểm trung bình các môn luôn đạt trên 3,4. Ngoài thành tích học tập, Kim Trinh còn là lớp trưởng, là ủy viên BCH Đoàn trường, ủy viên BCH Hội SV trường gương mẫu đi đầu trong các hoạt động hướng về cộng đồng như: Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, “Tiếp sức mùa thi”, “Hiến máu nhân đạo”. 

Không chỉ dừng lại ở việc học tập, tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân, việc học và làm theo Bác còn được ĐVTN Trường CĐ Sư phạm BR-VT tích cực thực hiện một cách tự giác, có trách nhiệm thông qua các phong trào tình nguyện, các hoạt động xã hội. Đơn cử như trong chiến dịch “Mùa hè xanh” năm 2018, chỉ trong vòng 1 tháng (22-6 đến 20-7), gần 100 lượt SV của trường đã về xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc để dạy kèm cho 200 HS yếu, kém; tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh đuối nước và kỷ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho hơn 100 lượt thiếu nhi; tặng 10 phần quà (trị giá 300 ngàn đồng/suất) cho thiếu nhi nghèo; dọn dẹp nhà cho Mẹ VNAH Trần Thị Hiên…

Ngoài chiến dịch “Mùa hè xanh” được tổ chức hằng năm, thông qua phong trào “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện vì cộng đồng”, Đoàn trường CĐ Sư phạm BR-VT còn vận động ĐVTN đóng góp kinh phí và ngày công để đảm nhận các công trình, phần việc như: Sửa chữa nhà cho người già neo đơn; Ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; Trồng và chăm sóc cây xanh tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp tại khuôn viên trường; Tặng quà, học bổng cho HS nghèo vượt khó với số tiền gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Hội SV trường còn phối hợp với Hội CTĐ tỉnh và Hội LHTN Việt Nam tỉnh vận động hơn 500 lượt ĐVTN tham gia hiến máu mỗi năm.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.