Sản phẩm du lịch mới phải tạo khác biệt

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:04 [GMT+7]
In bài này
.

Kiên định mục tiêu thu hút nhà đầu tư, dự án có sản phẩm, dịch vụ đủ sức tạo đột phá cho du lịch BR-VT trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có… là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại “Hội thảo đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm mới cho ngành du lịch giai đoạn 2020-2025” diễn ra sáng 12/6. Đây là một trong những hội thảo nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch chủ trì hội thảo.
Các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch chủ trì hội thảo.

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ “MẶT TIỀN BIỂN”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: BR-VT có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, bờ biển dài và có nhiều bãi cát sạch, đẹp, các resort cao cấp kết hợp loại hình du lịch thể thao biển. Những năm qua, BR-VT đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là vào các dịp lễ.

Từ những tiềm năng, lợi thế trên, cùng với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của cộng đồng DN, du lịch BR-VT đã thực sự khởi sắc và đạt được nhiều thành quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng của ngành những năm qua luôn khá cao và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh, trong đó lượng khách tăng trưởng bình quân hơn 12,2% năm, tổng thu du lịch tăng bình quân hơn 10,6%/năm. Ngày càng có nhiều dự án du lịch chất lượng cao hình thành và hoạt động kinh doanh có hiệu quả như: Vietsovpetro Resort, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino, Sixsenses Côn Đảo, Lan Rừng Resort Phước Hải, Oceanami Villas & Beach Club… Chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch cũng phát triển đa dạng, phong phú, chất lượng phục vụ tốt.

Đi đôi với việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, chất lượng các dịch vụ và môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, BR-VT cũng chú trọng công tác thu hút, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, bao gồm cả nguồn nhân lực trực tiếp và gián tiếp phục vụ trong ngành du lịch.

Thành quả đạt được nhiều, tuy nhiên hạn chế cũng rất lớn. Cụ thể, du lịch BR-VT phát triển chủ yếu khai thác lợi thế biển. Quy hoạch không gian du lịch chưa đồng bộ, các dự án manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm du lịch trùng lắp, nhiều điểm lưu trú, ăn uống thiếu vui chơi, giải trí mới lạ. Khách du lịch chủ yếu là khách nội địa và chưa hấp dẫn được nhiều du khách quốc tế, du khách có mức chi tiêu cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành còn thiếu và yếu. “Trong bối cảnh du lịch đang dần khẳng định vị thế ngành kinh tế chủ lực, bền vững tại nhiều quốc gia, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, BR-VT càng cần thiết phải đẩy mạnh nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc góp phần phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng bền vững”, ông Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh.

Du khách tham quan vườn sưu tập cây gỗ rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu.
Du khách tham quan vườn sưu tập cây gỗ rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu.

SẢN PHẨM DU LỊCH PHẢI CỤ THỂ

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch, cựu lãnh đạo tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và tính bền vững cho du lịch BR-VT như: nhìn nhận vị thế mặt tiền của BR-VT từ biển nhìn vào và lợi thế tiếp cận thị trường du lịch rộng lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Tây Nam bộ để có định hướng sản phẩm phù hợp; cách phát triển nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - du lịch; phát huy giá trị di tích, lễ hội và các hoạt động thể thao góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến BR-VT; rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp; lấy Côn Đảo làm nòng cốt cho du lịch chất lượng cao; kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư, thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới vào các dự án du lịch tại tỉnh BR-VT…

Du lịch nằm trong nhóm lĩnh vực thu hút đầu tư có chọn lọc. Tất cả những dự án du lịch xin đầu tư vào tỉnh BR-VT không chỉ đơn thuần là để giải quyết chuyện ăn, ngủ, tắm biển… mà còn phải tạo thêm sản phẩm phong phú kèm theo thì mới được xem xét, lựa chọn. Định hướng này nhất quán nhiệm kỳ qua và những năm tới.
Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH

Trong đó, nhiều ý kiến tập trung đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch phải cụ thể gắn với từng tiềm năng, lợi thế đặc thù, riêng có của BR-VT chứ không dàn trải, nhạt nhòa như hiện nay. Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải do con người tạo ra. Mà muốn thu hút khách cao cấp, khách chi tiêu cao, lưu lại dài ngày, BR-VT phải có những sản phẩm gắn với thế mạnh cụ thể, căn cứ vào thực lực kinh tế của địa phương và có thể thu hút được các dòng đầu tư quốc tế. Địa hình BR-VT có biển, rừng, núi nhưng rừng, núi không nhiều, biển vẫn bao trùm với trên 100km có thể khai thác tốt cho du lịch. Muốn chọn được loại hình tốt chúng ta phải đi học hỏi những nơi có thế mạnh tương đồng rồi về chắt lọc, chọn loại hình, sản phẩm phù hợp. “Du khách cũng như tôi khát khao sản phẩm, loại hình cụ thể gắn với điều kiện tự nhiên địa hình và tầm cỡ khu vực. Chỉ cần một dự án tầm cỡ như Safari Thái Lan hay một phần của Disney Land chắc chắn sẽ làm bật du lịch BR-VT. Do đó, những vị trí đã quy hoạch dự án Safari, KDL Núi Dinh cần giữ nguyên quy hoạch và kiên định thu hút nhà đầu tư có thực lực, thương hiệu quốc tế”, ông Nguyễn Tuấn Minh nói.

Trong thu hút đầu tư, khâu giải quyết thủ tục pháp lý nhanh gọn, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối sẽ tăng sức hút trong đầu tư. Ông Rob Rankin, Tổng giám đốc điều hành Trails of Indochina cho rằng, cơ cấu khách đến BR-VT đang mất cân đối lớn. Trong số 16 triệu lượt khách đến BR-VT trong năm 2019 chỉ có 500 ngàn lượt khách quốc tế là quá ít. Thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu quá thấp. Để cải thiện điều này, ông Rob Rankin đề xuất tỉnh cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tính nhận diện thương hiệu; tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông đường cao tốc kết nối liên tỉnh, sân bay, trong ưu tiên giao thông đường sắt cao tốc liên tỉnh để liên kết vùng, miền đưa khách quốc tế từ các tỉnh, thành có cảng hàng không quốc tế về BR-VT.

Toàn tỉnh có 8 KDL được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 với diện tích hơn 3.300 ha, thu hút 128 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư là 42.117 tỷ đồng và 9,127 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh có 1.177 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 25.500 phòng, trong đó có 200 cơ sở lưu trú được phân loại, xếp hạng từ 1 đến 5 sao với tổng số phòng là 10.051 phòng, 462 cơ sở biệt thự, căn hộ. Lượng khách du lịch đến BR-VT tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh đón tiếp 8,6 triệu lượt khách thì đến năm 2019 lượng khách tăng gấp đôi, đạt hơn 16 triệu lượt, trong đó có gần 500 ngàn khách quốc tế. 

Một trong những vấn đề cốt lõi góp phần nâng cao chất lượng cho du lịch BR-VT là phải chú trọng đào tạo nhân lực. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, BR-VT cũng nằm trong bối cảnh chung của du lịch Việt Nam rất thiếu quản lý du lịch giỏi chiến lược, nghiệp vụ và tiếng Anh. Muốn có nguồn nhân lực tốt phải có trường đào tạo chuẩn quốc tế. BR-VT định hướng là trung tâm du lịch của cả nước và phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải hết sức quan tâm đầu tư trường đào tạo những nhân sự du lịch cao cấp. 

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

;
.