Về thăm đất thiêng Côn Đảo

Thứ Bảy, 29/02/2020, 15:42 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm tháng tuổi trẻ trong quân ngũ, đã từng đi qua nhiều vùng đất của Tổ quốc, nhưng sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, chúng tôi - những CCB đến từ vùng đất gang thép Thái Nguyên - mới lần đầu đến thăm mảnh đất thiêng Côn Đảo.

Thuyết minh viên BQL Di tích Côn Đảo giới thiệu về nhà tù Phú Hải với du khách. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Thuyết minh viên BQL Di tích Côn Đảo giới thiệu về nhà tù Phú Hải với du khách. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Sau gần nửa ngày lênh đênh trên biển cả, tàu đến Côn Đảo. Mặc dù còn mệt vì say sóng, nhưng chúng tôi ai nấy đều háo hức bước lên cầu tàu với nhiều cảm xúc. 

Biết chúng tôi là những CCB từ miền Bắc vào thăm, bác tài xế nhanh chóng sắp xếp đưa chúng tôi về nhà nghỉ nhận phòng và tranh thủ thời gian đưa chúng tôi đi thăm huyện đảo. Hòa cùng du khách thập phương, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Đền thờ Côn Đảo, nơi tưởng nhớ công lao bậc tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc trong suốt 113 năm “Địa ngục trần gian”. Đền nằm ở trung tâm đảo, trên khuôn viên rộng 30.000m2, diện tích của đền trên 3.000m2. Đến dâng hương tại đền, lòng mỗi du khách chúng tôi dường như lắng đọng lại khi nghe tiếng chuông ngân vang từ đại hồng chung cao gần 4m, đường kính gần 2m, trọng lượng gần 10 tấn đặt trước sân đền. Thân chuông khắc nổi 4 bài minh của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, mang đầy khí phách anh hùng cách mạng: “Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân, gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế”.

Rời đền thờ, chúng tôi đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm di tích các nhà tù từ thời thực dân Pháp cho đến đế quốc Mỹ. Chúng tôi, ai nấy đều bồi hồi xúc động, trong lòng trào lên niềm thương xót và cảm phục đồng chí, đồng bào, người dân yêu nước đã ngã xuống trước những đòn roi, cực hình tra tấn của kẻ thù. Nơi mà chúng tôi dừng lâu và nhớ mãi là dâng hương trước 713 phần mộ có danh, 1.300 ngôi mộ vô danh, trong đó có 11 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có 3 đồng chí là nữ, có mộ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Đặc biệt là lớp lớp một màu trắng, tỏa ngát hương thơm từ các bông hoa trên phần mộ của người con gái Anh hùng quê hương Đất Đỏ Võ Thị Sáu đã hy sinh cho muôn đời sau.

Rời Nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Ước, năm nay 79 tuổi, quê Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, hiện đang sống tại khu dân cư số 1. Ông Ước ở tù tại Côn Đảo từ năm 1959 đến ngày giải phóng, năm 2015, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Ông Ước kể, ông hoạt động Đoàn thanh niên tại địa phương; trong phong trào Binh vận, ông đã vận động được hơn 20 lính ngụy bỏ ngũ. Bị chỉ điểm, địch bắt ông đày ra Côn Đảo năm 1959. Ở “Địa ngục trần gian”, mặc dù bị tra tấn mọi cực hình; bị đày qua gần hết phòng giam, xà lim, chuồng cọp, chuồng bò, ông vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, cùng anh em bạn tù đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân. Những năm tháng bị tù đày, ông Ước đã chứng kiến bao cảnh giặc đàn áp, giết hại đồng chí, đồng bào yêu nước vô tội. Chúng bắt tù nhân lao động đẽo đá và san hô nung thành vôi xây nhà tù. Cấy lúa, nuôi bò đều phục vụ cho cai ngục, tù nhân chỉ một chén cơm hẩm với cá khô mục, nhưng tất cả tù nhân đều đùm bọc, chia sẻ khi bị tra tấn, hay ốm đau. Côn Đảo có lúc tù nhân đến trên 10 ngàn người, nhưng nhà tù được Đảng bộ lãnh đạo, một lòng kiên trung cùng nhau đoàn kết chống lại sự đàn áp dã man của kẻ thù. Ngày 1/5/1975, tù nhân Côn Đảo vùng lên tự giải phóng, lúc này trên đảo có hơn 7 ngàn tù nhân, trong đó có đến 4 ngàn tù chính trị. Hòa cùng đoàn tù nhân được giải phóng, ông Ước về quê xây dựng gia đình. Sau đó, ông quay lại Côn Đảo sinh sống cho đến ngày hôm nay. Ba người con của ông đã trưởng thành đều có công ăn việc làm. Riêng ông Ước, qua nhiều năm tù đày nay sức khỏe yếu, sống cùng vợ dưới mái nhà tình nghĩa do huyện Côn Đảo xây tặng.

Những hình ảnh tái hiện lao động khổ sai của người tù dưới sự tra tấn của cai ngục tại Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Những hình ảnh tái hiện lao động khổ sai của người tù dưới sự tra tấn của cai ngục tại Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Mặc dù thời gian thăm Côn Đảo ngắn ngủi nhưng để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng sâu đậm. Bởi nơi đây, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương, đều ghi dấu sự đấu tranh bất khuất và sự hy sinh lớn lao của bao đồng chí, đồng bào yêu nước dưới sự đàn áp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẫn giữ một lòng kiên trung theo Đảng. Nơi đây đã, đang và sẽ mãi mãi là cội nguồn cho các thế hệ mai sau noi theo học tập ý chí kiên trung vì Tổ quốc, vì độc lập tự do của bao thế hệ cha anh.

CHU THANH AN

;
.