Con đường vỏ ốc hiếm có ở Việt Nam

Thứ Bảy, 23/11/2019, 06:39 [GMT+7]
In bài này
.

Xuôi thuyền dọc theo rạch Yên Hào đến cồn Chày Mười (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), du khách sẽ bắt gặp một con đường ốc viết trải dài 7km dọc bãi biển.

Bờ biển toàn vỏ ốc viết độc đáo ở Bến Tre.
Bờ biển toàn vỏ ốc viết độc đáo ở Bến Tre.

Theo người địa phương, hàng năm vào mùa gió chướng (gió đông bắc từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch) là hàng triệu con ốc viết dạt vào bờ. Chỉ duy nhất đoạn bờ biển này mới nhiều ốc viết như vậy. Năm này qua năm khác, sóng biển đưa ốc vào bờ tạo thành những bờ đê cao hàng mét giúp bảo vệ ruộng hoa màu bên trong.

Không ai biết rõ bờ biển ốc viết này được hình thành từ khi nào. Khi phát hiện, người dân đã thấy hàng triệu con ốc viết xếp chồng lên nhau dọc bờ biển cao khoảng 1m, rộng 5m kéo dài 7km. Những vỏ ốc mới được sóng xô bờ, chồng lên những vỏ cũ đã bạc màu trắng xóa. Khi hoàng hôn xuống, ánh nắng chiếu vào những vỏ ốc, hắt lên những vệt sáng lấp lánh.

Khi thủy triều rút, người dân ở đây sẽ ra biển bắt ốc đem bán, trung bình kiếm được từ vài trăm ngàn đồng/ngày. Theo ngư dân, vào chính vụ ốc, giá bán khoảng vài ngàn đồng 1 ký, khi ốc ít hơn thì giá có thể lên đến 10.000 đồng/ký.

Bờ biển ốc viết những năm gần đây được nhiều du khách quan tâm. Tuy nhiên địa phương chưa đưa vào khai thác du lịch, khung cảnh được bảo tồn nguyên vẹn. Từ đất liền, du khách có thể ngồi thuyền hoặc đi xe máy ra đến cồn Chày Mười.

Trong danh mục đề xuất của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, bờ đê ốc viết cồn Chày Mười đang được lập hồ sơ, đề xuất kỷ lục: Bờ đê bằng ốc viết tự nhiên dài nhất Việt Nam.

Bến Tre cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km. Ngoài những điểm du lịch miệt vườn sông nước. Bến Tre còn nhiều điểm đến hấp dẫn, ít người biết như: Nhà cổ Huỳnh Phủ, di tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, chùa Vạn Phước, các làng nghề thủ công.

LAN ĐỨC

;
.